Hôm nay (20-10), kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XV, chính thức khai mạc, với thời gian rút ngắn hơn so với các kỳ họp trước chín ngày. Trước kỳ họp, đại biểu (ĐB) QH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, đã có buổi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các nội dung trọng tâm trong chương trình kỳ họp cũng như các vấn đề liên quan đến TP.HCM tại kỳ họp này.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH. Ảnh: LÊ THOA |
Công tác lập pháp sẽ là một trong những trọng tâm lớn
. Phóng viên: Thưa ông, theo chương trình kỳ họp QH khóa XV đã được Tổng thư ký QH thông báo thì trong 21 ngày diễn ra kỳ họp sẽ có rất nhiều nội dung được bàn bạc và xem xét. Theo ông, những nội dung nào sẽ là trọng tâm của kỳ họp?
+ ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Đây là kỳ họp thường kỳ vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ nên khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Ngay sau kỳ họp thứ ba, các cơ quan của QH và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện các dự án, dự thảo, báo cáo để kịp trình QH tại kỳ họp. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa” đó mà mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng thời gian họp đã được rút ngắn tối đa với tinh thần lấy chất lượng làm chính.
Tại kỳ họp này, tôi cho rằng công tác lập pháp sẽ là một trong những trọng tâm lớn. Trong đó, việc xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều chính sách mới sẽ thu hút được sự quan tâm lớn của các ĐBQH cũng như người dân.
Bởi đây là một trong những đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả tổ chức và từng người dân.
Do đó, tôi cho rằng đây sẽ là một trong những nội dung trọng tâm của trọng tâm trong chương trình kỳ họp lần này.
Quang cảnh kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN |
Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách 21% cho TP.HCM là cần thiết
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tỉ lệ điều tiết ngân sách được xác định cho một thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước là năm năm và do QH xem xét, quyết định.
Năm 2022 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới. Tuy nhiên, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được lập trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Vì vậy, QH đã quyết định xác định tỉ lệ điều tiết áp dụng riêng cho năm 2022 và để sau khi tình hình đã đi vào ổn định sẽ xác định lại các nội dung này cho giai đoạn 2023-2025.
Năm 2022, QH đã quyết định tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% lên 21%. Quyết định này rất phù hợp, nhất là trong bối cảnh năm 2021 TP phải chịu tổn thất nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhờ vậy đã góp phần tạo thêm nguồn lực để TP sớm vượt qua khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Xét về lâu dài và cho cả giai đoạn 2023-2025, tôi cho rằng việc tăng tỉ lệ điều tiết hoặc ít nhất duy trì tỉ lệ này đối với TP là rất cần thiết. Bởi xét dưới góc độ ngân sách, TP.HCM nhiều năm qua là địa phương có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tại kỳ họp này QH sẽ thảo luận, xem xét cụ thể, bảo đảm khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể chung của ngân sách nhà nước.
Sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thêm một năm nữa
. Được biết QH cũng sẽ xem xét một số nội dung liên quan trực tiếp đến TP.HCM, trong đó có việc tổng kết Nghị quyết (NQ) 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Chính quyền TP.HCM cũng kỳ vọng sớm tháo gỡ những điểm nghẽn thông qua việc sửa đổi NQ. Vấn đề này có được giải quyết tại kỳ họp không, thưa ông?
+ Năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành NQ 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020. Năm 2017, QH ban hành NQ 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Đây là những quyết sách mang tính chất quốc gia nhằm tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo của TP. Theo báo cáo của Chính phủ, qua năm năm thực hiện NQ, TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch; một số cơ chế tuy đã thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quá trình triển khai là do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lâu dài, khi triển khai cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Mặt khác, trong quá trình thực hiện, có hai năm do tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên TP không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách đặc thù đã được xác định.
Chính vì vậy, trên cơ sở đề xuất của TP.HCM, Chính phủ kiến nghị với QH cho phép TP tiếp tục thực hiện NQ này đến hết ngày 31-12-2023. Trong thời gian này, TP sẽ đánh giá, tổng kết việc thực hiện các NQ 16 và 54. Sau đó, TP.HCM báo cáo Bộ Chính trị, QH cho phép TP thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới.
Tại phiên họp gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ và dự kiến sẽ đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp.
. Xin cám ơn ông.
Những vấn đề nóng cử tri gửi đến nghị trường
. Cử tri đánh giá cao việc GDP tăng cao nhưng còn lo lắng về giá cả, dịch vụ tăng...
Một trong những nội dung quan trọng trong ngày khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XV hôm nay (20-10) là những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Trước đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (VN) và Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã cho ý kiến về báo cáo quan trọng này.
Đánh giá cao những điểm sáng nhưng còn nhiều lo lắng
Trong phiên họp của UBTVQH, khi trình bày về báo cáo này, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký MTTQ VN Lê Tiến Châu cho hay: Cử tri và nhân dân ghi nhận tình hình kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực khi GDP chín tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của chín tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo ông Châu, cử tri cũng bày tỏ lo lắng khi kinh tế VN đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và chưa thực sự bền vững. Đặc biệt vẫn có những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá các dịch vụ tăng cao, trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng.
Đặc biệt, nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn...
Ông cũng cho hay là cử tri đánh giá cao việc kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả trung ương và địa phương.
Cử tri cũng đánh giá cao, nhận định là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Đảng đã có các quy định về nêu gương của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực, quy định các điều đảng viên không được làm.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo ngại khi kết quả giám sát của UBTVQH cho thấy tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% (với 396 vụ) so với cùng kỳ năm trước...
Quan tâm một số vấn đề xã hội
Trước đó, khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho ý kiến về báo cáo, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cùng quan tâm đến giáo dục, y tế cũng như trật tự xã hội. Hai vị này cho rằng: Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cần nêu ra việc người dân lo lắng khi xảy ra nhiều vụ cháy nổ, trong đó có cháy các quán karaoke và phải quy được trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời xử lý thật nghiêm khắc.
Ông Trần Ngọc Đường cho rằng xã hội hóa y tế, giáo dục là một chủ trương đúng nhưng thực hiện cần có hướng đi phù hợp và không được để khẩu hiệu “tự chủ” thả lỏng. Ông Đường đề nghị cần thực thi nghiêm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức để đãi ngộ xứng đáng các chuyên gia, trí thức giỏi.
Bà Liên cũng đồng quan điểm và đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng y sĩ, bác sĩ, giáo viên xin nghỉ việc, ra khỏi ngành.
Bà Liên cũng đề cập đến tình trạng lũ lụt, ô nhiễm đang tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, tình trạng bị lừa đảo đi lao động nước ngoài, vấn đề lao động, việc làm cho người dân. CHÂN LUẬN