Dự kiến ngày 27-12, lãnh đạo Chính phủ có mặt tại tỉnh Trà Vinh để phát lệnh khởi công dự án xẻ kênh, mở luồng cho tàu biển tải trọng lớn có thể vào được sông Hậu. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đào kênh tắt, dẫn tàu biển lớn
Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), hiện cụm sông Tiền, sông Hậu ở khu vực ĐBSCL có 10 cảng biển đang hoạt động. Trong đó, hai cảng lớn nhất khu vực là cảng Cần Thơ và cảng Cái Cui cũng chỉ có thể đón được tàu tải trọng 5.000 tấn theo luồng Định An.
Tuy nhiên, Giám đốc dự án Công ty Postcoast Phạm Anh Tuấn, đại diện liên doanh tư vấn thiết kế dự án xẻ kênh, mở luồng tàu biển mới, cho biết cửa Định An dẫn từ cảng Cần Thơ ra biển thường xuyên bị bồi lắng, gây trở ngại cho hoạt động vận tải biển. Hằng năm, Cục Hàng hải Việt Nam phải chi khoảng 15 tỉ đồng cho việc nạo vét cửa Định An để tàu 5.000 tấn có thể ra vào. Nhưng sau khi nạo vét khoảng 2-3 tháng, luồng bị bồi lắng trở lại. Do vậy, khoảng 70% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải quá cảnh lên cụm cảng TP.HCM.
Cửa Định An, nơi tàu biển vào sông Hậu hiện hữu và vị trí đào xẻ kênh, mở luồng mới. Ảnh: TL
Theo thiết kế, dự án này sẽ thông một luồng hàng hải mới từ sông Hậu ra cửa biển. Theo đó, ngoài việc nâng cấp 24 km tuyến kênh Quan Chánh Bố và một đoạn đường sông hiện hữu, dự án sẽ đào mới một đoạn kênh dài 9 km băng qua đất liền, theo đường tắt thông từ cảng Cần Thơ ra biển Đông. Ước tính tổng khối lượng nạo vét, cải tạo và đào kênh mới lên đến 28 triệu m3 đất đá.
Ông Tuấn cho biết thêm, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực ĐBSCL do Thủ tướng phê duyệt đã xác định dự án cải tạo luồng cho tàu biển có tải trọng lớn ra vào cảng trên sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố, tỉnh Trà Vinh) là dự án ưu tiên. Đây sẽ là tiền đề cơ bản để hình thành và phát triển các cảng dọc sông Hậu với mục đích đón được tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu 20.000 tấn vơi tải.
Hàng hóa miền Tây sẽ cạnh tranh hơn
Hiện nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển ở khu vực ĐBSCL trung bình khoảng 15 triệu tấn/năm. Tuy nhiên như đã nêu, do cửa ngõ thông thương với quốc tế duy nhất là luồng Định An không thuận lợi cho tàu biển lớn ra vào nên chỉ khoảng 30% lượng hàng hóa đi thẳng. Số còn lại được trung chuyển lên cụm cảng TP.HCM hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu.
Việc một lượng hàng hóa xuất khẩu lớn của khu vực ĐBSCL (chủ yếu là hàng nông sản) phải quá cảnh đến các cảng khác bằng đường bộ đã làm tăng áp lực giao thông cho quốc lộ 1 và khu vực TP.HCM. Điều này còn làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa do chi phí vận chuyển, lưu kho làm đội giá thành lên 170-180 USD/container (khoảng 7-10 USD/tấn).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, luồng mới dẫn tàu biển lớn vào sông Hậu sẽ hoàn thành và bắt đầu khai thác từ cuối năm 2011. Khi hoàn thành, dự án đủ đáp ứng cho khoảng 22 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển của ĐBSCL. Lúc đó, cảnh từng đoàn xe ngược xuôi TP.HCM-ĐBSCL để chở hàng triệu tấn phân bón, máy móc nông nghiệp, hàng công nghiệp... không còn nữa, giá hàng hóa sẽ giảm và người dân được lợi hơn.
Dự án gồm các hạng mục chính: mở luồng tàu dài 40 km, khu tránh tàu, đê biển, kè bảo vệ bờ, bến phà, bến xà lan 500 tấn, cầu đường bộ qua kênh Tắt, đường ven luồng... Tổng kinh phí của dự án lên đến hơn 5.000 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, do luồng mới dự kiến cắt quốc lộ 53 (trục giao thông chính của huyện Duyên Hải) nên dự án sẽ xây dựng một bến phà để đảm bảo giao thông thông suốt. Sau đó, dự án sẽ xây dựng một cây cầu tại vị trí quốc lộ 53 bị xẻ đi để đào kênh. |
MINH PHONG