Để 2 triệu tỉ đồng chảy vào nền kinh tế

(PLO)- Đến hết năm 2023, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng khoảng 13,7%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm 2022.

Giải quyết tốt các vướng mắc pháp lý cởi trói dự án bất động sản không chỉ thúc đẩy nhiều ngành nghề khác phục hồi, phát triển mà còn giúp tín dụng tăng mạnh, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù năm 2023, NHNN đã có nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng tốc độ chậm do suy giảm cả cầu đầu tư lẫn cầu tiêu dùng. Năm 2024, nhiều chuyên gia dự báo nền kinh tế vẫn sẽ còn nhiều khó khăn.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là khoảng 15%. Ảnh:T.L

Các tổ chức tài chính quốc tế cũng nhận định năm 2024 nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đà giảm tốc, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, kinh tế châu Âu khả năng phục hồi nhẹ, kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên của nhiều quốc gia. Những bất ổn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên khó đoán định. Vì vậy, hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2024 là 15%, tương ứng khoảng 2 triệu tỉ đồng.

Để tăng trưởng tín dụng năm 2024 tăng tốc mạnh mẽ

Để nền kinh tế “hấp thụ” được 2 triệu tỉ đồng như kế hoạch đã đề ra, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng: “Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ban ngành khẩn trương sửa đổi, bổ sung, rút gọn các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bất động sản.

Đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất… đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội và cho công nhân. Bởi bất động sản là lĩnh vực có nhu cầu tín dụng rất lớn, chiếm hơn 22% tổng nhu cầu tín dụng của cả nền kinh tế”.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 của ngân hàng Vietinbank đạt 15,6%. Đến nay, Vietinbank có 63% dịch vụ trọng yếu đã thực hiện qua các kênh số, 98% giao dịch của khách hàng cá nhân và 80% giao dịch của khách hàng doanh nghiệp đã thực hiện qua kênh trực tuyến với chi phí thấp nhất.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nêu quan điểm: Việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng, trong đó mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khoá, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm.

Đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường. Từ đó thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

“Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành cùng các tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất xanh của các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước”, ông Ấn nói.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để nguồn vốn vào nền kinh tế phát huy hiệu quả, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu ý kiến: Thứ nhất, trong điều kiện dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao như một số tổ chức quốc tế cảnh báo, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần giải quyết vướng mắc pháp lý để tạo điều kiện cho các dự án hoạt động trở lại và hạn chế nợ xấu phát sinh, tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn.

Thứ hai, NHNN nhìn nhận, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm 95% nhưng vẫn gặp khó khăn nên các giải pháp của Chính phủ cần tập trung vào nhóm này theo những giải pháp đã có trong Luật như bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn xanh bền vững vốn đang rất khắt khe, bởi nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới