Cuối tháng 4-2024, nhóm PV báo Pháp Luật TP.HCM có chuyến ghi nhận thực tế tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) ở các tỉnh Tây Nguyên. Theo tìm hiểu, nhiều dự án ở khu vực này hoạt động không hiệu quả, chưa tạo ra giá trị lớn về kinh tế cho địa phương.
Đốt than, đốt lốp cao su… trong khu công nghiệp
Mùi than đốt nồng nặc là ghi nhận đầu tiên tại khu công nghiệp Hòa Phú do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk quản lý. Cùng với đó là những xe tải chở củi rầm rộ phục vụ cho các doanh nghiệp đốt than khiến một không gian rộng lớn bị bụi mù bủa vây.
Bên trong khuôn viên Nhà máy chỉ dây thun Đắk Lắk thuộc Công ty CP Cao su Đắk Lắk tập kết rất nhiều củi khô để đốt than. “Mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu bốc lên từ các lò vòng đốt than. Mỗi khi đi qua khu công nghiệp Hòa Phú, chúng tôi phải nín thở” - một người dân phản ánh.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở khu công nghiệp Tâm Thắng do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông quản lý. Nơi đây cách khu công nghiệp Hòa Phú một con sông. Không chỉ hoạt động đốt than, doanh nghiệp còn tổ chức đốt lốp xe tái chế gây ô nhiễm môi trường.
Theo người dân phản ánh, hằng ngày nhà máy đốt lốp xe tái chế của Công ty TNHH Dầu FO Tây Nguyên hoạt động gây mùi hôi nồng nặc bao trùm khu dân cư lân cận. Doanh nghiệp này từng bị xử phạt, buộc phải khắc phục.
Theo lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông, tỉnh cương quyết thu hồi diện tích 36,7 ha của 11 dự án đã ngừng hoạt động, không có khả năng triển khai, không đúng giấy phép, gây ô nhiễm môi trường… tại khu công nghiệp Tâm Thắng.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk, khu công nghiệp Hòa Phú có 61 dự án đăng ký đầu tư, tỉ lệ lấp đầy là 100%. Trong đó có 44 dự án đang hoạt động, năm dự án tạm ngừng hoạt động; các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang đầu tư xây dựng. Tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai, sử dụng đất sai mục đích.
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho thấy năm 2023, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tâm Thắng nộp ngân sách chỉ hơn 9,6 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh thu chỉ hơn 3,8 tỉ đồng, còn lại là các chi cục Thuế huyện thu.
Năm 2022 có 42 doanh nghiệp tại KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) nộp tổng cộng 340 triệu đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước và năm 2023 là 694 triệu đồng. Còn theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum hồi tháng 12-2023, đa số doanh nghiệp hoạt động trong KKT, KCN là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm chỉ khoảng 76,5 tỉ đồng.
Hiện Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa cung cấp thông tin về thu thuế đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hòa Phú trong năm 2023. Tuy nhiên, số liệu từ năm 2022 cho thấy có 70 đơn vị, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, tổng cộng 54,4 tỉ đồng. Trong đó có một số doanh nghiệp chỉ nộp thuế 1-2 triệu đồng/năm.
Cụm công nghiệp thành nơi phơi lúa, chăn trâu
Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thành lập CCN Ea Lê ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp trên diện tích hơn 25 ha. Tổng mức đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật trong CCN Ea Lê là 90 tỉ đồng. Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu khi đi vào hoạt động, CCN này tập trung các nhà máy, xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, ít ô nhiễm, hoạt động đa ngành nghề với các lĩnh vực chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ…
Tuy nhiên, trải qua 13 năm hoạt động, đến nay CCN Ea Lê có năm công ty đầu tư nhưng chỉ có một dự án đang hoạt động. Trong đó, một công ty làm kho để sơ chế thuốc lá, một dự án chưa triển khai xây dựng, ba dự án khác đã ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động. Một cán bộ Chi cục Thuế huyện Ea Súp cho hay các doanh nghiệp ở CCN Ea Lê không có phát sinh về thuế. Hiện người dân đang tận dụng mặt bằng ở CCN Ea Lê để chăn trâu, bò và phơi lúa.
Theo UBND huyện Cư Kuin, đến nay tỉ lệ đầu tư về cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh trong CCN trên diện tích đất quy hoạch xây dựng nhà máy đã được bao phủ 100% bằng chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng của các nhà đầu tư vẫn còn chậm, nhiều dự án phải giãn tiến độ, điều chỉnh thời hạn đầu tư.
Hiệu quả kinh tế mang lại ở các dự án trong CCN này chưa cao, chưa tạo ra nguồn thu cho ngân sách, dẫn đến cơ hội việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động tại địa phương chưa đạt như kỳ vọng.
Còn CCN M’Đrắk ở huyện M’Đrắk, Đắk Lắk được triển khai trên diện tích hơn 70 ha. Sau hơn 10 năm thành lập, hạ tầng CCN này vẫn còn ngổn ngang. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện M’Đrắk, hiện nay tỉ lệ đăng ký làm dự án trong CCN của huyện này là hơn 60% nhưng triển khai thực tế chỉ 26%.
Do còn khó khăn về kinh phí nên trong CCN chưa được đầu tư đồng bộ. Hiện mới chỉ triển khai đường giao thông giai đoạn 1. Trong khi giai đoạn 2, kể cả hệ thống xử lý nước thải cũng chưa triển khai.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện M’Đrắk
Nhiều dự án hoạt động không hiệu quả
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kon Tum năm 2022, có 20 dự án ở các khu công nghiệp không hoạt động, ngừng hoạt động, chiếm hơn 62% trong tổng số 32 dự án. Có sáu công ty ở khu II KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y gần như không có công nhân, không hoạt động sản xuất, kinh doanh, thường xuyên đóng cửa.
Hàng chục dự án triển khai trong các KKT, khu công nghiệp không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng sai mục đích như Công ty CP Khí hóa lỏng Kon Tum, Công ty CP Thương mại nông nghiệp và dược liệu Đồng Xanh Kon Tum… Lãnh đạo Ban quản lý KKT tỉnh Kon Tum đánh giá do chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên việc phát triển KKT, khu công nghiệp còn chậm, hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Tận dụng ưu đãi ... rồi chuyển nhượng
Theo một số doanh nghiệp, do tại khu công nghiệp Hòa Phú, doanh nghiệp được ưu đãi đến 11 năm không phải nộp tiền sử dụng đất nên trong giai đoạn này họ không cần đầu tư nhiều mà chỉ chờ bán dự án cho doanh nghiệp khác với chiêu bài bán tài sản trên đất để hưởng chênh lệch.
Một lãnh đạo Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú xác nhận theo quy định, các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp Hòa Phú được miễn tiền sử dụng đất 11 năm, tùy giai đoạn. Những doanh nghiệp mua lại dự án thì không được hưởng ưu đãi này. “Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ được bán tài sản trên đất, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất” - vị này nói.
Thế nhưng hồi tháng 3-2022 đã xảy ra vụ việc một doanh nghiệp chuyển nhượng 1,5 ha đất tại KCN Hòa Phú cho một doanh nghiệp Hàn Quốc với giá trị chuyển nhượng hơn 10 tỉ đồng. Theo ghi nhận, khu đất hơn 1,5 ha này chỉ mới xây dựng hàng rào bằng gạch và hai cổng ra vào, chưa triển khai bất cứ hạng mục nào bên trong.
“Tiềm lực của doanh nghiệp, nhất là về vốn, công nghệ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc thiếu quỹ đất sạch để giới thiệu cho các nhà đầu tư” - lãnh đạo Ban quản lý KKT tỉnh Kon Tum đánh giá.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Như Trình, Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Gia Lai, KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có 40 dự án nhưng hiện chỉ có 28 dự án đi vào hoạt động. Việc đầu tư tại KKT này có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình, chủ yếu hoạt động theo mùa vụ.
Tình hình cũng không khá hơn tại các CCN của nhiều địa phương ở Tây Nguyên. Nhiều CCN triển khai quá chậm chạp, địa phương buộc phải thu hồi dự án. Đơn cử như năm 2006, UBND tỉnh Đắk Nông giao Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC (Công ty BMC) làm chủ đầu tư dự án CCN - tiểu thủ công nghiệp BMC ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong. Tiến độ thực hiện từ năm 2007 đến 2010. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh cho biết đến nay dự án không hoàn thành đúng tiến độ và sở đã giao Thanh tra sở rà soát để thực hiện quy trình thu hồi dự án.
Tương tự, năm 2015, UBND tỉnh Gia Lai quyết định thành lập CCN - tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh trên diện tích gần 54 ha. Các doanh nghiệp đã đăng ký triển khai dự án lấp đầy CCN nhưng sau đó do vướng các thủ tục đầu tư nên tỉ lệ lấp đầy thực tế chưa được là bao. Còn CCN Lộc Phát ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng được khởi công xây dựng từ tháng 9-2011 trên diện tích hơn 37 ha nhưng đến nay tỉ lệ lấp đầy mới chỉ đạt hơn 21%.
Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum, các CCN trên địa bàn thu hút 43 dự án nhưng chỉ có 28 dự án chính thức hoạt động. Tỉnh có sáu CCN đã được thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động.
Việc sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh phân cấp hỗ trợ có mục tiêu phát triển hạ tầng CCN cho các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, TP Kon Tum chưa đảm bảo nguyên tắc, chưa phát huy hiệu quả. Đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm chỉ gần 3 tỉ đồng.•
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo địa phương có KCN rà soát, xác định lộ trình, giải pháp để thu hồi đối với những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thuê để giao cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu.
Cùng với đó, từng bước xử lý tình trạng người dân sinh sống trong các CCN theo quy định. Các bộ phận liên quan thực hiện nghiêm việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế, tiền thuê đất, xử lý triệt để đối với các trường hợp nợ đọng kéo dài.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế tại các CCN do đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh chỉ ra.