Ở nhiều địa phương tại TP.HCM, những cuộc gặp gỡ, trao đổi của lãnh đạo quận không còn chỉ bó hẹp trong khuôn khổ các cuộc họp, hội nghị tiếp xúc mà cán bộ đã trực tiếp đến từng khu phố để chia sẻ, trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân. Nhiều vấn đề kéo dài, những phản ánh, kiến nghị khó nói ra trong các hội nghị được cán bộ khu phố nêu ra để cùng giải quyết.
Giúp nhiều hộ thoát nghèo qua một cuộc làm việc
Suốt một năm qua, định kỳ hằng tuần, Thường trực Quận ủy quận 3 luân phiên, trực tiếp đi đến 63 khu phố tại địa bàn để trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của địa phương, khu phố.
Đây là hoạt động chính của mô hình “Mỗi tuần một khu phố” do Quận ủy quận 3 triển khai, đã tạo ra những chuyển động tích cực ngay từ cấp cơ sở.
Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 3 Trần Thị Hường cho biết mô hình này hướng đến việc sâu sát hơn nữa với đời sống người dân. Từ đó, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở với quan điểm cầu thị, lấy vận động thuyết phục, “nói đi đôi với làm” gắn với thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ở khu phố 2, phường 5, quận 3, bảy năm qua đã duy trì chương trình vận động các cán bộ hưu trí để hỗ trợ, đỡ đầu cho các hộ nghèo, cận nghèo mỗi tháng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Bí thư chi bộ khu phố 2, phường 5, cho hay trong một buổi tiếp xúc với phường, Thường trực Quận ủy chia sẻ rằng không thể cho mãi con cá mà phải tạo cần câu cho dân.
Hàng chục kiến nghị, phản ánh được giải quyết
Năm 2023, Thường trực Quận ủy quận 3 đã đi thực tế 74 lượt khu phố, tiếp nhận 202 lượt ý kiến góp ý, phản ánh.
Qua đó, quận giải quyết dứt điểm tại chỗ 84 ý kiến; 69 ý kiến được giải quyết sau buổi gặp gỡ, 31 ý kiến đang được giải quyết; có hai ý kiến về vụ việc tồn đọng chưa giải quyết được. 17 ý kiến được ghi nhận, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Chủ tịch UBND quận khi đó đề nghị tập hợp danh sách các hộ dân xem họ có thể làm được việc gì, đồng thời đề nghị phường quan tâm, giới thiệu việc làm cho họ. Vị cán bộ cũng nói trường hợp nào phường gặp khó, không giải quyết được thì gặp ông để được hỗ trợ giải quyết.
Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tại khu phố 2 cũng như phường 5 đã không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. “Một cuộc gặp gỡ, một cái bắt tay, sự tương tác trực tiếp giữa người đứng đầu và cán bộ cơ sở đã mang lại hiệu quả rất tốt. Điều này cũng tạo sự động viên rất lớn với đội ngũ cán bộ ở khu phố” - bà Yến nói.
Mở rộng hẻm từ sự cởi mở, sát dân của lãnh đạo quận
Hơn 20 năm qua, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm tại TP.HCM đã là một chủ trương thiết thực, phù hợp với thực tế. Cuộc vận động này không chỉ cải thiện đời sống, sinh kế cho người dân mà còn góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, thúc đẩy sự phát triển của TP.
Khoác lên mình “bộ áo” mới, nhiều tháng qua con hẻm nhỏ nối chung cư Trần Quốc Thảo đến hẻm 14 đường Kỳ Đồng, quận 3 đã không còn cảnh ngập nước, ổ gà. Nếp sinh hoạt của bà con sống ở tuyến đường này cũng vì thế mà thuận lợi, sạch sẽ hơn. “Đó là kết quả sau khi Thường trực Quận ủy xuống thăm hỏi trực tiếp” - bà Trần Thị Như Hoa, Bí thư chi bộ khu phố 1, phường 9, nói.
Cụ thể, cuối năm 2022, khi chuẩn bị đón xuân mới 2023, Thường trực Quận ủy quận 3 đã đến trụ sở khu phố 1 để cùng ngồi lại, nghe ý kiến góp ý, phản ánh từ cán bộ khu phố. Buổi trò chuyện hôm đó, nhiều đảng viên khu phố nêu hiện trạng con hẻm nối từ chung cư Trần Quốc Thảo đến hẻm 14 đường Kỳ Đồng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Chính quyền có kế hoạch sửa chữa từ lâu nhưng chưa thực hiện được.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, cơ quan chức năng của quận đã cho nâng cấp, sửa chữa ngay tuyến hẻm. “Không ai ngờ chỉ qua một buổi làm việc vỏn vẹn hơn 1 giờ đồng hồ mà con hẻm đã thay đổi ngay. Mừng lắm” - bà Hoa nói.
Với phương thức tương tự, những con hẻm sát bên cũng được thay áo mới, khang trang, sạch sẽ hơn như hẻm 7 đường Kỳ Đồng và 13C đường Kỳ Đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban điều hành khu phố 2, phường 5, cho biết kết quả tích cực từ các buổi làm việc với Thường trực Quận ủy là một sự động viên, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động của khu phố.
Bà Yến kể: Năm 2019, khu phố 2 vận động người dân chung sức, hiến đất mở hẻm 453. Hẻm 453 đã khang trang hơn, rộng hơn nhưng lại có nhiều cột điện án ngữ ngay giữa hẻm, gây bức xúc trong dân.
Trong khi đó, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025, phường cũng yêu cầu khu phố phải vận động giải tỏa ở hai con hẻm 385 và 387 kế bên.
“Người dân nhìn vào hẻm 453 và nói nếu giải tỏa mà không giải quyết sự thông thoáng của con đường thì họ không đồng tình. Tỉ lệ người dân đồng thuận cũng chỉ 65- 80%. Trong khi đó, theo Sở GTVT, tỉ lệ người dân đồng thuận phải trên 80% mới triển khai được” - bà Yến nói.
Buổi làm việc với Thường trực Quận ủy, mà trực tiếp là chủ tịch UBND quận 3 lúc đó, bà Yến đã nêu ra bất cập này. Chủ tịch UBND quận đã gọi, trao đổi với giám đốc Công ty Điện lực TP để tìm nguyên nhân vướng. Đồng thời triệu tập cuộc họp với các bên liên quan tìm hướng giải quyết kịp thời, đưa toàn bộ trụ điện ra khỏi hẻm.
Bà Yến sau đó thông tin kết quả này đến các hộ dân trong nhiều cuộc họp lấy ý kiến mở rộng ở hai con hẻm. Tính đến nay, trên 87% người dân sống tại hẻm 387 đồng thuận, có thể triển khai thi công vào quý II-2024. Tại hẻm 385, tỉ lệ này đã lên đến 65% và có khả năng sẽ nâng được tỉ lệ lên hơn 80% để mở rộng hẻm. “Đó là hiệu quả rõ rệt từ việc tiếp xúc trực tiếp của Thường trực Quận ủy mà trực tiếp là chủ tịch UBND quận” - bà Yến chia sẻ.
Tất cả những điều trên cho thấy dân vận đã ngày càng thấm sâu hơn vào đời sống người dân, từ những việc nhỏ đã tạo ra sức lan tỏa lớn.
Hẻm nhỏ hết ngập nhờ dân và Nhà nước cùng làm
Ngay từ khi thành lập, TP Thủ Đức đã lên kế hoạch chỉnh trang đô thị, kết hợp mở rộng hẻm giai đoạn 2021-2025. Trọng tâm là chỉnh trang các tuyến đường, hẻm đã hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo việc lưu thông thuận lợi, an toàn cho người dân. Việc này được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngoài hiến đất, nhiều hộ dân tại TP Thủ Đức còn đóng góp tiền để làm hệ thống thoát nước.
Hẻm 16 đường 40 thuộc phường Hiệp Bình Chánh đã xuống cấp nhiều năm và mỗi khi mưa lớn, con hẻm lại ngập sâu.
“Đi đường lớn mưa ngập đã thấy mệt, về đến nhà, ngay con hẻm mình sống cũng ngập nước, vừa phải dọn dẹp đồ đạc vừa ngăn nước tràn vào, rất cực” - anh Nguyễn Cường sống ở hẻm này nói.
Đó là hiện trạng của tuyến hẻm khi chưa có hệ thống thoát nước.
Sau đó, phương án chính quyền làm lại đường, người dân làm hệ thống thoát nước đã được thông tin đến từng hộ dân sinh sống tại đây và được người dân đồng tình. Tổng kinh phí làm hẻm là 1,288 tỉ đồng, số tiền để đặt hệ thống thoát nước là 978 triệu đồng. Người dân đóng góp được hơn 250 triệu đồng. Số còn lại, chính quyền đã vận động doanh nghiệp cùng góp sức. Sau khi được chỉnh trang, cuộc sống người dân trong hẻm đổi thay.
Gia đình bà Trần Thị Hoàng Thi cũng tham gia góp 10 triệu đồng để lắp hệ thống cống thoát nước. Bà cho hay sau khi được lắp hệ thống cống thoát nước, bà không còn phải phập phồng lo sợ vì hẻm ngập khi mưa xuống. “Con hẻm sạch sẽ, khang trang hơn, cũng là chỗ vui chơi cho mấy đứa nhỏ mỗi chiều” - bà Thi nói.
Với hình thức này, hẻm 585 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước vốn đã xuống cấp, nhiều đoạn lún sâu thành ổ gà, ổ voi cũng được nâng cấp cao ráo và sạch sẽ.
Trưởng phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức Lưu Trọng Nghĩa cho biết với cách làm nêu trên đã giúp các hẻm xuống cấp sớm được duy tu, sửa chữa, bà con không phải chờ lâu. Việc nâng cấp các tuyến hẻm rộng hơn 3 m tại địa bàn còn giúp cho công tác PCCC được đảm bảo.
Theo ông Nghĩa, năm 2023, UBND TP Thủ Đức đã triển khai thực hiện 11 dự án theo cách làm này và được người dân đồng thuận rất cao. Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng vận động người dân đóng kinh phí làm mặt đường, Nhà nước làm hệ thống thoát nước cho 16 dự án khác.
Năm 2024, UBND TP Thủ Đức sẽ thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo và lắp đặt hệ thống thoát nước trên các tuyến đường hẻm với 69 công trình, tổng kinh phí khoảng 350 tỉ đồng.