LTS: Năm 2023, ở TP.HCM, nhiều dự án công cộng kéo dài vì nhiều lý do đã có bước đột phá trong thực hiện. Có những con hẻm được chỉnh trang sạch đẹp, hộ nghèo được giúp thoát nghèo chỉ sau cuộc gặp gỡ chân tình giữa người dân và lãnh đạo chính quyền… Những kết quả ấy có được nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp thầm lặng của những người làm dân vận ở cấp cơ sở.
Pháp Luật TP.HCM ghi nhận, phản ánh những mô hình dân vận khéo hiệu quả, góp phần để chính quyền TP ngày càng gần dân hơn nữa.
*****
Địa bàn rộng, dân số hơn 780.000 người, nơi có nhiều Khu công nghiệp, Khu chế xuất, quận Bình Tân, TP.HCM cũng đối mặt với tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cho học sinh.
Bàn giao 5.000 m2 đất cho quận xây trường học
“Hai đứa con tôi nay đã ngoài 30 tuổi, có công ăn việc làm. Hồi tụi nhỏ đến tuổi vào trung học, tôi phải chạy vạy làm thủ tục, giấy tờ xin nhập học ở nơi khác chứ ngay chỗ tôi ở không có trường”- bà Khuất Thị Thúy Hường, Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, nhớ lại. Và đây cũng là hoàn cảnh tương tự của nhiều bậc phụ huynh khác ở địa phương này.
Thực trạng này đã được chính quyền quận Bình Tân nhận thấy và lên chủ trương xây thêm trường học, trình chính quyền TP.HCM xem xét. Tuy nhiên, có dự án kéo dài ròng rã hơn chục năm chưa thể thực hiện bởi bài toán về giải phóng mặt bằng luôn khó.
Điển hình là dự án xây trường THCS Bình Trị Đông kéo dài suốt 15 năm qua. Sau nhiều nỗ lực, những ngày đầu tháng 1-2024 này, dự án đang gấp rút thi công để kịp tiến độ, đưa vào sử dụng cho năm học tới.
“Đây là một niềm vui lớn với người dân sinh sống tại đây, con em công nhân hay cư trú ngay tại địa bàn sẽ dễ thở hơn khi vào cấp hai” - bà bộc bạch khi thấy từng viên gạch, mảng tường đang dần được xây đắp.
Theo bà Hường, có được mặt bằng sạch xây trường là kết quả của một hành trình đầy nỗ lực từ phía chính quyền và từ sự thấu hiểu, sẻ chia của người dân. “Dự án khởi công được là nhờ cái gật đầu, chấp thuận bàn giao mặt bằng của gia đình ông Nguyễn Văn Mân, hộ dân có đến 5.000 m2 đất (chiếm 1/3 diện tích dự án)”- bà Hường nói và cho biết năm 2008, khi chính quyền công bố thông tin quy hoạch dự án này, gia đình ông Mân không đồng ý vì mức bồi thường thấp.
Biết và nhận thấy điều này, quận đã đề xuất việc hỗ trợ hợp tình, hợp lý cộng với việc thuyết phục của cán bộ cơ sở, gia đình ông Mân đã đồng thuận giao mặt bằng làm dự án.
Trao đổi với PV, ông Chung Hoàng Thái, đại diện gia đình ông Mân, cho hay ban đầu gia đình không đồng thuận vì mức bồi thường không đủ mua được mảnh đất tương tự ở khu vực khác.
“Nhưng sau đó, ngoài chính sách về tiền đền bù thì đáng quý hơn cả quận đã có sự hỗ trợ, đề xuất TP xem xét, đặc cách cho gia đình được ưu tiên mua một suất nền tái định cư với giá ưu đãi” – ông Thái chia sẻ và cho hay chính quyền còn tính toán, cấp phép để gia đình được cất một căn nhà nhỏ ngay cạnh mảnh đất cũ để có nơi ra vào vì ông Mân đã lớn tuổi.
Thay đổi cách làm để người dân thấy và tin
Không chỉ trường hợp ông Mân, địa bàn quận Bình Tân còn có nhiều dự án khác cũng có những trường hợp tương tự. Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Yến, phường Tân Tạo là một trường hợp như vậy.
Mới đây, sau khi đạt được mức thỏa thuận hợp lý, gia đình bà đã bàn giao 5.000 m2 đất để xây dựng mới trường THCS Trần Cao Vân. Dự án này được phê duyệt từ năm 2018 nhưng cũng “treo” nhiều năm vì công tác giải phóng mặt bằng. 13 hộ dân khác có đất bị ảnh hưởng bởi dự án cũng bàn giao mặt bằng trong tháng 4-2023...
Nhiều năm làm công tác dân vận ở cơ sở, bà Hường đúc kết: “Gầy dựng niềm tin trong dân, thuyết phục người dân tin tưởng vào một chủ trương, chính sách vốn là việc không dễ và điều người dân cần là nói phải đi đôi với làm. Chỉ cần chính quyền làm đúng lời hứa thì có khó mấy dân cũng sẵn sàng góp sức”.
Vậy làm thế nào để người dân thấy và tin tưởng chính quyền nói đi đôi với làm? Ông Nguyễn Duy Ngọc, Phó ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, chia sẻ cách làm sáng tạo của địa phương: Nếu trước đây, phải chờ 100% hộ dân đồng ý mới khởi công dự án thì nay quận chọn cách khác. Khi đã vận động được 30-50% hộ đồng ý, quận cho khởi công xây dựng những hạng mục thuộc phần mặt bằng đã được bàn giao. Việc này sẽ giúp người dân tin tưởng, rằng đó là dự án công chứ không phải dự án thương mại.
Với cách làm này, năm qua, quận Bình Tân đã vận động, thu hồi mặt bằng 24 dự án trong tổng 27 dự án trọng điểm. Ba dự án còn vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến trong quý I-2024 cũng sẽ hoàn thành.
“Muốn mọi người đồng thuận, chính mình phải nêu gương”
Để có mặt bằng trống khởi công các dự án công, không chỉ có sự nỗ lực, vào cuộc của chính quyền. Đó còn là tinh thần nêu gương của các đảng viên, sự cống hiến của những gương “dân vận khéo” ngay tại cơ sở.
Là người trực tiếp có mặt ở những “điểm nóng” từ khi có quyết sách được ban hành cho đến thời điểm khởi công xây dựng Trường THCS phường Bình Trị Đông B, bà Khuất Thị Thu Hường nói nhiều hộ trước đây mua đất qua giấy tờ tay, nếu thu hồi thì họ không nhận được bồi thường nên phản ứng. “Đã từng có thời điểm phường, quận phải tính đến phương án cưỡng chế” – bà chia sẻ.
Trong những buổi tiếp xúc, bà Hường đã kiên trì vận động, đối thoại với người dân để họ dần hiểu. “Khi chính quyền đã ấn định ngày cưỡng chế, đưa máy xúc xuống thì lúc đó người dân đã tháo băng rôn, tự động dọn dẹp nhà cửa vào đêm trước đó rồi. Sáng ra tôi đến cũng rất bất ngờ”- bà Hường chia sẻ thêm.
Ngoài dự án trên, khu phố 1 còn dự án nâng cấp đường Tên Lửa nối dài. Đây là dự án trong khu dân cư hiện hữu, giá đền bù lại thấp so với mặt bằng hiện tại. Chính gia đình bà Hường cũng có phần đất bị ảnh hưởng.
Bà tự nhủ: Muốn mọi người đồng thuận, bà phải nêu gương. Bà thuyết phục gia đình bàn giao 30 m2 đất cho chính quyền với mức bồi thường 120 triệu đồng. Chính từ sự tiên phong này của bà và nhiều đảng viên khác, các hộ dân còn lại đã chấp thuận. Tuy nhiên nữ Bí thư chi bộ cũng khẳng định, sự tự nguyện của bà là xuất phát từ việc nhìn nhận các chính sách, chủ trương đó đúng, có lợi cho người dân.
Năm qua, bà Hường đã phối hợp vận động được 96/99 trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng thực hiện hai dự án nêu trên với hơn 25.000 m2.
Không riêng bà Hường mà nhiều cán bộ khác cũng tiên phong trong việc động gia đình, người dân bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án công như ông Nguyễn Văn Dứt, Hội viên Hội Cựu Chiến binh phường Bình Hưng Hòa A; ông Tô Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 1, phường An Lạc...
Đến nay, trong 27 dự án, quận đã vận động 1.611/1.860 hộ đồng thuận bàn giao mặt bằng và đã nhận tiền, 101 hộ đồng thuận bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng thủ tục pháp lý. Những trường hợp này quận sẽ có hướng dẫn, giúp các hộ dân làm thủ tục nhận tiền. Ngoài ra, quận cũng không trường hợp nào phải cưỡng chế…
Người đứng đầu vào cuộc, chịu trách nhiệm
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Ban dân vận Quận ủy Bình Tân, sự nêu gương của một số gia đình cán bộ, đảng viên, hội viên trong phối hợp tuyên truyền, vận động đã giúp các hộ dân tin tưởng và bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Cùng với đó là sự nâng cao trách nhiệm của các lãnh đạo phường. Bí thư Đảng uỷ phường, Chủ tịch UBND phường phải cùng tham gia tiếp xúc, vận động người dân chứ không thể giao khoán cho cán bộ địa chính hay phó chủ tịch phụ trách.
“Nơi nào người đứng đầu quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, kịp thời để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh tại địa phương thì nơi đó thực hiện rất tốt” - bà Hương cho hay.
Trưởng Ban dân vận Quận ủy Bình Tân nhìn nhận công tác dân vận chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc vận động người dân bàn giao mặt bằng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền, của Ban bồi thường hay cơ quan chuyên môn nào mà của cả hệ thống chính trị, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, MTTQ, đoàn thể và các cơ quan đơn vị.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, bà Hương cho hay Ban Thường vụ quận uỷ quận Bình Tân cũng phân công tổ giám sát việc thực hiện. Quận còn phân công các uỷ viên thường vụ phụ trách phường trực tiếp tham gia cùng phường đi vận động tiếp xúc các hộ dân.
“Phải làm sao để người dân thấy được lợi ích từ dự án công để có sự đồng thuận” - trưởng ban dân vận quận Bình Tân chia sẻ và nhìn nhận việc này còn giúp quận trả lời kịp thời, thấu tình đạt lý những kiến nghị của dân, từ đó người dân dần tin tưởng hơn vào các quyết sách của địa phương và TP.
Ông LÊ VĂN NGHĨA, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy huyện Hóc Môn:
Tính phương án có lợi cho dân
Dự án Vành đai 3, đoạn đi qua địa phận Hóc Môn có 323 trường hợp bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 1.444 tỉ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công Vành đai 3, Ban Dân vận huyện ủy huyện Hóc Môn đã tham mưu thành lập bốn tổ công tác các thường vụ huyện ủy làm tổ trưởng, trực tiếp thông tin cũng như lắng nghe tâm tư của người dân để có tham mưu, giải quyết kịp thời.
Huyện uỷ cũng đã đề xuất chủ trương vận động nguồn kinh phí xã hội hóa, các quỹ cùng chung sức để hỗ trợ trao tặng tiền tạm cư, chăm lo với 19 trường hợp, trao tặng nhà tình thương; đề xuất bố trí tái định cư cho 20 hộ đủ điều kiện và có nhu cầu để người dân an tâm, ổn định cuộc sống…
Từ đó, huyện uỷ đã đề xuất chủ trương vận động nguồn kinh phí xã hội hóa, các quỹ cùng chung sức để hỗ trợ trao tặng tiền tạm cư, chăm lo với 19 trường hợp, trao tặng nhà tình thương; đề xuất bố trí tái định cư cho 20 hộ đủ điều kiện và có nhu cầu để người dân an tâm, ổn định cuộc sống…
Kết quả của những chính sách đó là tạo sự đồng thuận trong bàn giao mặt bằng để làm dự án của tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng.
Dù vậy, quá trình triển khai, huyện Hóc Môn cũng gặp vướng mắc như xác định giá trị các công trình trên đất, thậm chí có trường hợp phần diện tích đó cắt nửa căn nhà nên không thể tính xác định giá trị một nửa. Huyện đã rất kiên trì, đeo bám và đề đạt với cấp TP.HCM việc xác định giá trị đó là hoàn toàn giá trị công trình. Đề xuất này sau đó được các cơ quan ban ngành, TP và người dân đồng tình.
Nhờ quyết liệt mà tiến độ dự án đã vượt sáu tháng so với kế hoạch UBND TP giao.
Để đạt được kết quả này là nhờ cán bộ sâu sát, giúp người dân thấy ý nghĩa, vai trò của dự án với sự phát triển của địa phương cũng như của TP để đồng thuận.
-----------
Ông NGUYỄN TRÍ DŨNG, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp:
“Xin” bố trí nền đất ở quận khác
Năm 2023, quận Gò Vấp cũng vận động thành công hàng trăm hộ dân di dời, bàn giao mặt bằng để mở rộng gần 2,5 km đường Dương Quảng Hàm - công trình giao thông trọng điểm ở TP.HCM. Dự án có tổng đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng 1.750 tỉ đồng.
Do dự án đường Dương Quảng Hàm có số lượng hộ dân bị ảnh hưởng giải tỏa lớn, ngay từ ban đầu quận đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, UBND phường liên quan làm tốt các công tác để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Đối với vấn đề còn vướng mắc, quận đã tổng hợp báo cáo UBND TP, Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ tái định cư TP để xin hướng dẫn.
Ngoài ra, quận còn tháo gỡ cho 470 hộ trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi các dự án. Do quận không còn quỹ đất, những hộ bị giải tỏa trắng chỉ được suất mua căn hộ nên nhiều người không đồng tình. Quận đã đề xuất và được TP.HCM bố trí 49 nền đất ở quận 12 để đáp ứng yêu cầu của người dân.
Chính từ sự quyết liệt của quận, người dân dần hiểu và đồng tình ủng hộ. Đến nay đa số hộ dân đã đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thi công công trình.