Đẻ con lúc ở với chồng cũ, chồng mới nhận cha, tính sao?

Ngày 27-12, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban công tác tư pháp 24 quận, huyện quý IV-2018 trên địa bàn TP.HCM. Trong số những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực tư pháp hộ tịch, vi phạm hành chính, quốc tịch… mà hội nghị tháo gỡ, có trường hợp hy hữu về làm giấy khai sinh.

Rắc rối con trên giấy và con thực tế

Cụ thể, vợ chồng ông Trần Văn A (Bến Tre) đăng ký kết hôn năm 2000, đến năm 2012 thì sinh bé Y (tên dự định đặt). Đến năm 2014, vợ chồng ông A ly hôn theo bản án tòa. Từ khi sinh ra đến nay bé Y chưa được đăng ký khai sinh mà chỉ có giấy chứng sinh do bệnh viện cấp.

Năm 2018, mẹ bé Y kết hôn với ông Võ Văn B và được UBND phường 2, quận 10, TP.HCM cấp giấy chứng nhận kết hôn. Sau đó, ông B yêu cầu UBND phường đăng ký khai sinh cho bé Y. Hồ sơ mà ông B cung cấp cho UBND phường gồm có phiếu kết quả phân tích ADN thể hiện ông là cha ruột bé Y (có cùng huyết thống cha con), giấy chứng nhận kết hôn của ông và mẹ bé Y. Mẹ bé Y cũng có văn bản thỏa thuận thừa nhận bé Y là con của bà và ông B.

Theo Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận thì là con chung của vợ chồng...

Chuyện sẽ đỡ rắc rối hơn nếu như trước đây, khi đang trong thời kỳ hôn nhân với người chồng trước, mẹ bé Y và chồng trước đã đăng ký khai sinh cho bé. Đằng này mãi đến nay bé cũng chưa có khai sinh và chồng sau của mẹ bé Y lại nhận bé là con của mình.

Trong khi đó, bé Y được sinh ra năm 2012 (trong thời kỳ hôn nhân giữa mẹ bé Y và chồng trước) nên UBND phường 2, quận 10, TP.HCM không giải quyết đăng ký khai sinh cho bé và hướng dẫn ông B (chồng sau của mẹ bé Y) khởi kiện ra tòa để xác định cha cho con.

Phải làm sao để đăng ký khai sinh cho bé Y?

Tháng 11-2018, tòa án trả đơn kiện vì bé Y chưa có khai sinh. UBND phường 2 đề nghị Phòng Tư pháp quận 10 hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch đối với trường hợp đăng ký khai sinh này. Phòng đã xin ý kiến của Sở Tư pháp về việc giải quyết đăng ký khai sinh cho bé Y.

Tại cuộc họp giao ban ngày 27-12, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, đưa ra ý kiến gỡ vướng trường hợp này. Ông Lưu cho biết trường hợp như thế này Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn cụ thể và Sở cũng đã triển khai văn bản hướng dẫn ấy trong hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác hộ tịch trên địa bàn TP.HCM (nội dung cụ thể xin xem box).

Theo ông Lưu, trường hợp này thực hiện như sau: Vì bé Y sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của ông A và mẹ bé nên một hoặc cả hai phải là người khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án xác định bé Y không phải là con chung trong thời kỳ hôn nhân (chứ không phải người đi kiện là cha ruột thực tế của bé Y, tức ông B). Ở đây, giả dụ bây giờ mẹ bé Y nộp đơn khởi kiện tòa án có thẩm quyền với yêu cầu nói trên. Mẹ bé Y cần nộp kèm theo đơn khởi kiện là chứng cứ xác định ADN cha ruột bé Y là ông B, chồng sau của bà (chứ không cần nộp kết quả giám định ADN xác định ông A không phải là cha ruột bé Y).

Bấy giờ, tòa sẽ thụ lý và mời các bên liên quan đến làm việc. Giả sử ông A (chồng cũ của mẹ bé Y) không đến tòa thì tòa sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ là kết quả ADN để xét xử và tuyên bé Y không phải là con chung của hai người. Trường hợp ông A đến tòa và cả hai người không có tranh chấp về con chung thì tòa sẽ trả đơn kiện.

Lúc này, mẹ bé Y sẽ cầm quyết định trả đơn kiện hoặc bản án của tòa đến UBND phường 2, quận 10, TP.HCM để đăng ký khai sinh cho bé Y. Đồng thời, khi đó cha ruột bé là ông B sẽ đăng ký nhận con luôn để được ghi tên cha vào giấy khai sinh của bé Y.

Hướng dẫn của Bộ Tư pháp

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Trường hợp người cha không thừa nhận con hoặc người mẹ khẳng định không phải là con của người chồng thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. Trường hợp tòa án không thụ lý, giải quyết hoặc đình chỉ việc giải quyết do không có tranh chấp thì để bảo đảm quyền lợi của trẻ em, tránh tình trạng trẻ không được đăng ký khai sinh, đề nghị UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ theo diện con chưa xác định được cha theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015.

Lưu ý, trong hồ sơ phải có văn bản thể hiện việc từ chối giải quyết của tòa án có thẩm quyền; kết quả giám định ADN xác định người chồng không phải là cha ruột. Nếu người cha thực tế có yêu cầu nhận con thì kết hợp giải quyết đăng ký khai sinh và nhận con theo quy định tại Điều 12 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp. Khi giải quyết việc này, chú ý trong hồ sơ phải có văn bản thể hiện việc từ chối giải quyết của tòa án có thẩm quyền; kết quả giám định ADN xác định mối quan hệ cha con.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm