Để HĐ trải nghiệm, hướng nghiệp không phải “sống mòn“

Dự thảo chương trình các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh các môn học, điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới là học sinh sẽ tham gia các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và được đánh giá.

Đây không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Vấn đề cốt lõi đặt ra ở đây là làm sao các nhà trường có thể tổ chức được hoạt động này?

Là người trong cuộc, từng chứng kiến cảnh “sống mòn” của hai hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp (tương tự như Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Dự thảo) ở trường phổ thông (từ lớp 6 đến lớp 12) mười mấy năm qua, tôi có một số kiến nghị, đề xuất sau đây:

Nhận thức của cấp quản lý giáo dục địa phương, lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo đối với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải thay đổi, chuyển biến tích cực. Không như hiện nay, hầu hết các trường chỉ coi hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp còn tệ hơn cả những môn “phụ” …. Chính vì vậy, mức độ quan tâm, đầu tư dành cho nó rất hạn hẹp, hình thức, thậm chí có tình trạng cắt xén và bỏ luôn.

Dự thảo Chương trình, các nhà biên soạn, thiết kế có đề cập đến việc đánh giá học sinh. Đúng, phải có đánh giá, xếp loại hẳn hoi. Hiện nay, hai hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp chỉ tham chiếu vào xếp loại Hạnh kiểm, thực tế là rất chung chung, khó phân định và chưa đủ sức răn đe học sinh. Tôi đề nghị, lần này, các nhà biên soạn cần xem hai hoạt động trên như một môn học độc lập, phải quy về đánh giá bằng điểm số như các môn Toán, Ngữ văn… hoặc đánh giá bằng mức độ như các môn Thể dục, Nhạc, họa…

Kinh phí dành cho hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp của từng trường phải thành gói kinh phí riêng, không chung chạ như hiện nay. Thành gói riêng, nhà trường có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích. Nếu sử dụng không hết, cuối năm tài chính phải nộp lại cho Nhà nước. Cách làm này buộc các nhà trường phải đầu tư và quan tâm đúng mức cho hoạt động đó.

Nhiều phụ huynh có băn khoăn về chuyện lạm thu trong trường học sẽ bùng phát khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đi đó đi đây… Tôi đồng tình với ý kiến PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: “Trong trường hợp có những hoạt động mang tính chất khám phá hay đi thực địa như các cuộc tham quan, dã ngoại, chuyến đi thực tế... có thể được “xã hội hóa” từ các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, cá nhân hỗ trợ để nhà trường thực hiện tốt. Điều này đòi hỏi nhà trường chủ động thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục. Các khoản kinh phí phát sinh có thể sử dụng từ đóng góp của phụ huynh và từ công tác “xã hội hóa” nhưng cũng cần được các bên thống nhất, công khai minh bạch về tài chính để sử dụng đúng mục đích”.

Những trường hợp nhà trường lạm thu, không đúng nghĩa “xã hội hóa”, các cấp quản lý cần kiên quyết, mạnh tay xử lý như một số vụ việc, hiệu trưởng gây bức xúc phụ huynh và dư luận xã hội trong thời gian đầu năm học vừa qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm