Chiều 19-1, Bộ GD&ĐT đã họp báo chính thức công bố dự thảo chương trình môn học mới (20 môn học và hoạt động). Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể sẽ xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình môn học mới học sinh (HS) sẽ được học cách sử dụng tiền, toán học đi vào thực tế, kể cả hoạt động giáo dục thể chất cũng có những điểm rất mới.
Bốn đặc điểm của chương trình mới
Tại buổi công bố, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, đã thông tin khái quát về toàn bộ chương trình. Theo đó, chương trình GDPT mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...
GS Thuyết cho hay chương trình môn học mới có bốn đặc điểm. Cụ thể, các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể. Tập trung phát triển năng lực HS, trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của HS.
Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Ví dụ một số môn học tích hợp mới như lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (cấp THCS). Một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học... HS thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp với lứa tuổi, trình độ mỗi lớp.
Chương trình giáo dục mới sẽ đi theo định hướng chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học, hướng tới việc học sinh thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Chương trình giáo dục mới sẽ đi theo định hướng mới chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học, các chương trình môn học và hoạt động đều hướng tới việc HS thực hành, vận dụng được kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế” - GS Thuyết nói.
Vị tổng chủ biên nhận xét các môn trước đây được góp ý là còn hàn lâm, xa rời thực tiễn và yêu cầu chưa hợp lý với đối tượng HS phổ thông. Do đó, việc thay đổi sẽ cụ thể hơn như môn tiếng Việt/ngữ văn, ngoại ngữ chú trọng nhiều vào kỹ năng vận dụng, thực hành. Môn toán ngoài các khái niệm, kiến thức nền tảng cũng thay đổi để HS hiểu được giá trị ứng dụng toán trong cuộc sống trên cơ sở kết hợp với các môn khoa học tự nhiên khác.
“Các môn học được biên soạn theo hướng mở cho phép các nhà trường, giáo viên và các nhóm viết sách giáo khoa (SGK) linh hoạt trong sử dụng các nội dung kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu bắt buộc. Các chương trình cũng cho phép nhà trường, giáo viên được linh hoạt trong tổ chức dạy học, áp dụng phương pháp dạy học đa dạng” - GS Thuyết nhấn mạnh.
Theo đại diện ban soạn thảo chương trình mới, các công việc tiếp theo cần làm là: Tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện các chương trình; thẩm định và ban hành chương trình; tập huấn cho các đối tượng khác nhau (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, người biên soạn thẩm định SGK) về chương trình; biên soạn, thực nghiệm SGK theo lộ trình quy định; thẩm định, phê duyệt SGK; tập huấn cho các đối tượng khác nhau về SGK; chỉ đạo triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình. |
Đòi hỏi giáo viên chất lượng cao
Bên cạnh việc thay đổi nội dung chương trình môn học mới, đại diện Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu tâm đến vấn đề bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị phối hợp tốt cho chương trình môn học mới.
Đánh giá yêu cầu của chương trình mới, Bộ GD&ĐT cho rằng để đạt hiệu quả cao trong việc áp dụng chương trình môn học mới cần đến sự thay đổi rất lớn của các đơn vị trường học, nhất là đối với giáo viên.
Các đơn vị trường học sẽ phải chuẩn bị các điều kiện dạy học, tập huấn cho giáo viên và đào tạo nguồn giáo viên theo yêu cầu mới. Trong đó, việc thay đổi tư duy quản lý từ cấp trường trở lên là vấn đề quan trọng cần đặt ra để chương trình thành công.
“Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ giao sự chủ động cho các nhà trường, ít nhất là giao chủ động về xây dựng kế hoạch dạy học. Một điều cần phải thực hiện nữa là phải đổi mới thi cử. Nếu không thay đổi việc kiểm tra, đánh giá, thi cử thì sẽ khó có thể thực hiện được chương trình này” - đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Dự thảo các môn học được công bố tại cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 19-1. Sau khi tiếp thu và hoàn chỉnh chương trình, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thẩm định, dự kiến ban hành chương trình vào tháng 4-2018.
Giữ lại các tác phẩm văn học kinh điển trong phần tự chọn Ngữ văn là môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học môn học này có tên là tiếng Việt; ở THCS và THPT có tên là ngữ văn. Theo đó, chương trình THPT còn sáu tác phẩm văn học (văn bản ngữ liệu) bắt buộc gồm Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập. Bên cạnh đó, các tác phẩm kinh điển ở cả ba cấp học đều được giữ lại ở phần tự chọn. Cụ thể, các tác phẩm Sơn Tinh Thủy Tinh, Lợn cưới áo mới, Tây Tiến, Việt Bắc, Vội vàng (thơ), Chí Phèo… nằm trong danh mục gợi ý được xem là phần ví dụ, minh họa về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lý lứa tuổi, nhằm đáp ứng các yêu cầu về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp và nhóm lớp. Các tác giả SGK và giáo viên ngữ văn có thể dựa vào đây hoặc tự tìm các văn bản tương tự để biên soạn và giảng dạy, miễn sao đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản. |