‘Học 20 năm cũng không giỏi được!’

Chương trình tiếng Anh “gây thất vọng sâu sắc”

Mục tiêu của chương trình giáo dục tổng thể nêu rất rõ ngoài tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, học sinh (HS) sẽ được học thêm một ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, chương trình lại quy định cấp tiểu học bốn tiết/tuần, còn cấp THCS và THPT chỉ ba tiết/tuần, học như thế thì có học đến 20 năm cũng không thể giỏi được. Yêu cầu của thời kỳ hội nhập là HS sau khi tốt nghiệp THPT phải sử dụng thành thạo tiếng Anh, tức là phải có đủ bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Yêu cầu này quá cao so với thời lượng dạy và học chỉ có ba tiết/tuần. Có thể thấy mục tiêu một đằng mà cách thực hiện một nẻo.

Thời Pháp thuộc, tiếng Pháp có lẽ được xem là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam. Và vì vậy, việc giảng dạy tiếng Pháp trong trường rất bài bản, hết tiểu học đã có thể nói chuyện được rồi. Thậm chí nhiều người từ đó học thêm đã có thể trở thành dịch giả tiếng Pháp.

Ngay như ở Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, tiếng Anh đã được phân bổ chín tiết ngoại ngữ/tuần nhưng HS phải học thêm sáu tiết buổi tối, thành 15 tiết để khi các em tốt nghiệp THPT mới có thể đủ điểm chuẩn để du học nước ngoài.

Ngoại ngữ là cả quá trình tích lũy về mặt lượng, trong khi chương trình giáo dục tổng thể lại quy định môn ngoại ngữ chỉ ba tiết/tuần thì giáo viên, HS phải làm sao? Học như thế không biết đến bao giờ HS mới giao tiếp được bằng tiếng Anh, hay thi vào đại học nước ngoài như HS các nước để chúng ta tham gia được vào quá trình phân công lao động toàn cầu và hiện đại hóa đất nước.

Có thể thấy chủ trương này gây thất vọng sâu sắc đối với nhiều người. Với chương trình như thế này, phụ huynh vẫn phải đưa con ra các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để trau dồi ngoại ngữ. Và như thế sẽ gây thiệt thòi cho con em khó khăn hoặc các HS vùng nông thôn vì không có điều kiện để theo học.

PGS-TS ĐOÀN LÊ GIANG

Tổng số tiết một tuần vẫn là 29 tiết thì không thể gọi là giảm tải so với chương trình cũ.  Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học Lương Định Của, TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Không trông đợi một điều kỳ diệu

Chương trình mới được công bố lần này không có một bước tiến nào về tư duy so với các bản dự thảo được công bố trước đây. Giáo dục sẽ vẫn chạy theo quán tính cũ và buộc lòng chúng ta phải xem nền giáo dục của chúng ta vẫn đang tiếp tục thời kỳ quá độ dài lâu.

Tôi hoàn toàn thất vọng về các bản dự thảo và không trông đợi vào một điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở bản dự thảo này. Bởi nó không có nhận thức và tư duy đột phá nào kiểu như “khoán 10” trong giáo dục. Nhìn vào bản dự thảo, tổng số tiết một tuần vẫn là 29 tiết thì không thể gọi là giảm tải so với chương trình cũ. Giảm môn học này lại nhồi vào môn học mới, giảm một cách cơ học, không lưu ý đến chuyên môn thì thật tai hại. Ví dụ, môn toán với ba tiết/tuần thì không biết HS sẽ học toán như thế nào. Lại theo kiểu “cưỡi ngựa, xem hoa” và tình trạng đi học thêm vẫn còn tiếp diễn. Bởi khi sĩ số lớp đông, năng lực tự học yếu, thời gian lại không đủ thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải, tình trạng môn cần học lại không đủ thời gian nhưng môn không cần học vẫn phải học, diễn ra các bất cập vẫn như cũ.

Bên cạnh đó, khi không có sự thay đổi nào về nguyên lý và cách nhìn sẽ dẫn đến sự thay đổi chắp vá, không mang tính logic. Việc nhận thức sai về bản chất, mục đích, nhiệm vụ giáo dục sẽ dẫn tới định hướng sai về chương trình, phương pháp giảng dạy và hình thức thi cử.

Chưa kể, mỗi HS có một thiên tư khác nhau, giáo dục phải phân hóa. HS phải được chú trọng các môn sở trường, đào tạo chuyên sâu. Hiện tại xu thế chung là chương trình cử nhân chỉ còn ba năm. Không phải là chương trình được cắt ngắn một cách cơ học mà đã được dạy chuyên sâu ở phổ thông.

Nhìn vào chương trình của ta thì tất cả môn đang dàn hàng ngang để đi. Làm gì có ai sở trường mà tới cả năm môn. HS sẽ lại phải đối phó và nhà trường vẫn sẽ tồn tại khái niệm phản giáo dục là môn chính, môn phụ.

Thầy ĐÀO TUẤN ĐẠT, giáo viên dạy môn vật lý ở Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm