Đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức

Trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 sáng nay, 2-11, ông Vân phát biểu: “Đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài”.

Trọn bài phát biểu của mình, ông Vân giải thích rõ hơn những nội hàm của liêm chính, kiến tạo và phát triển, những mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra từ khi nhậm chức.

Theo ông Vân, một trong những nội hàm quan trọng của liêm chính, kiến tạo và phát triển là củng cố bộ máy, kiện toàn nhân sự. Ông Vân đề nghị phải tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch để thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiện tài phải thực tâm, chí thành. “Chính phủ nên sớm trình Quốc hội ban hành luật trọng dụng nhân tài, coi đó là chiếu cầu hiền của Nhà nước trong giai đoạn mới. Các nhà lãnh đạo, quản lý phải thực đức, thực tài”, ông Vân nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức để lấy chỗ cho hiền tài.

Ngoài việc đề cao thực thi công vụ, ông Vân đề nghị phải có cơ chế khảo sát, sát hạch định kỳ hằng năm để sàng lọc cán bộ, công chức. “Khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài”, ông Vân nói thẳng.

Bên cạnh đề nghị cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức; ông Vân đặc biệt nhấn mạnh việc bảo đảm mội trường liêm chính để những kẻ bất tài, vô hạnh không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền; không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Về vấn đề kiểm soát quyền lực, ông Vân đề nghị: “Lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức để kiểm soát quyền lực, lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực, lấy thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực”. Ông Vân sau đó cũng đề cập đến tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, nhất là trong quan hệ với nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét rằng: “Báo cáo của Chính phủ năm nào cũng nêu nhiều nội dung tồn tại, hạn chế rất đáng lo ngại. “Nói về năng lực phẩm chất một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính, công vụ chưa nghiêm. Tôi thấy hầu như năm nào trong báo cáo của Chính phủ đều có hạn chế này. Vì sao như vậy?”.

Ông Học đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ cần thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề để xử lý sai phạm, chấn chỉnh công chức, cán bộ.

Ông Học cũng nói: Đại biểu Quốc hội và nhân dân cần có câu trả lời của Chính phủ và Thủ tướng về khả năng chấn chỉnh tình trạng nói trên. “Đại biểu và nhân dân cần biết khi nào thì Chính phủ và Thủ tướng sẽ khắc phục được những yếu kém này?”, ông Học nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm