Đề nghị cơ quan thanh tra độc lập với Chính phủ

Đổi tên Thanh tra Chính phủ thành Thanh tra Nhà nước, là cơ quan do Quốc hội thành lập, có địa vị pháp lý độc lập như Kiểm toán Nhà nước… Đó là đề nghị được đưa ra tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) ngày 26-7.

Không thoát được “vòng kim cô”?

Sau khi dự luật được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, quy định về địa vị pháp lý của cơ quan tranh tra vẫn là nội dung gây nhiều tranh cãi. Bảo lưu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng vị trí pháp lý của cơ quan thanh tra trong dự luật “vẫn là cơ quan giúp việc, bản chất không có gì khác so với hiện hành”… Cụ thể, thủ trưởng cơ quan hành chính vẫn duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra, lựa chọn nhân sự, thành lập đoàn thanh tra, ra kết luận… “Không sửa luật căn cơ, thanh tra sẽ không vượt qua được “vòng kim cô” này” - ông Thuận nói.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu khiến lực lượng thanh tra “trùng trùng điệp điệp” nhưng hiệu quả không cao, ít phát hiện được sai phạm hoặc xử lý kiến nghị của thanh tra không đến nơi, đến chốn. Thủ trưởng cơ quan vì động cơ bao che cho cấp dưới, che giấu khuyết điểm, sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý, né trách nhiệm của người đứng đầu nên việc duyệt kế hoạch thanh tra, chỉ đạo tiến hành thanh tra, công bố kết luận khó bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác.

“Trong hoạt động thanh tra, thủ trưởng nói được là được, không là không, gạt ra thì làm sao khách quan. Tôi từng đi thanh tra nên biết rất nhiều thứ không làm được. Giả sử có đi thanh tra xong, nếu thủ trưởng xem kết quả thấy không được như ý thì vấn đề đó vẫn cứ đưa ra ngoài kết luận cuối cùng” - ông Bình nói.

Ông Lê Mạnh Luân, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, cũng phản ánh có vụ việc qua thanh tra sai phạm đã rõ mười mươi, Thủ tướng hoặc phó thủ tướng đã kết luận, chỉ đạo nhưng không ai chịu thực hiện và rồi cũng không ai bị kiểm điểm, xử lý.

Cần độc lập như Kiểm toán Nhà nước?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận kiến nghị sửa Luật Thanh tra theo hướng: Thanh tra Chính phủ có địa vị pháp lý độc lập như các bộ, cơ quan ngang bộ khác, có phạm vi quản lý nhà nước riêng (thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng…). Đặc biệt hoạt động thanh tra phải được thực hiện độc lập, tránh mọi sự can thiệp…

Tuy nhiên, một số ý kiến ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình, buổi đầu thành lập nước, ngành thanh tra rất được coi trọng, là Thanh tra Nhà nước nhưng về sau dần trở thành “người giúp việc”. Hiện nay Quốc hội cũng đang rất cần công cụ thanh tra vì giám sát mới chủ yếu qua các báo cáo mà thiếu giám sát hành vi.

Vì vậy, ông Bình đề nghị: Đổi tên Thanh tra Chính phủ là Thanh tra Nhà nước. Cơ quan này do Quốc hội thành lập, địa vị pháp lý độc lập như Kiểm toán Nhà nước, “Làm tai mắt, tham mưu cho cả Quốc hội, Chính phủ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng tình, cơ quan thanh tra phải độc lập như Kiểm toán Nhà nước. “Trong bộ máy Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ phải đặt vị trí cho thanh tra sự độc lập cao nhất thì mới hiệu quả. Còn nếu vẫn thuộc một nhánh quyền lực nào thì vẫn là ăn cây nào rào cây ấy” - ông nói.

Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tiếp tục được lấy ý kiến hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây.

Đ.BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm