Về tình hình ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 8-2020 có thể kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, do đợt này, dịch COVID-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc.
Mắc thêm COVID-19 như giọt nước tràn ly nên mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi. Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về: “Xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được” - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long phân tich thêm về chùm ca bệnh tại Hải Dương. Ảnh: VGP/Đình Nam
Thông tin về chùm ca bệnh ở Hải Dương vừa ghi nhận thêm ba ca mắc sáng nay, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng ngại. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.
Ban Chỉ đạo cho rằng việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người mà người phục vụ, khách hàng đều không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
Thảo luận, đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ “không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”. Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác…
Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh quan điểm dịch bệnh còn kéo dài. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được dịch bệnh COVID-19 khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vacine đặc hiệu. Hiện chúng ta cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vacine để phục vụ chống dịch.
Từ phân tích trên, Ban Chỉ đạo khẳng định, chiến lược chống dịch của chúng ta là chiến dịch của nước còn nghèo. Cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng.
Phương châm phòng chống dịch của chúng ta là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới để chỉ đạo các địa phương và người dân triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.
Theo đó, chúng ta cần phải nâng mức cảnh báo. Chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là; phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Mỗi cấp chính quyền phải có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát. Đặc biệt, cần “cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp” trong công tác phòng, chống dịch.