Đề nghị nghiên cứu mở rộng cao tốc kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM

(PLO)- Ủy ban Kinh tế vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo một số ý kiến về tình hình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong đó có việc đề nghị mở rộng cao tốc kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc sáng mai (23-10). Một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này là việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

san-bay-long-thanh-4203.jpeg
Phối cảnh sân bay Long Thành

Tiến độ thu hồi đất “rất chậm”

Đáng chú ý, tại báo cáo này, Ủy ban Kinh tế đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành là “rất chậm”, không đáp ứng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 53.

Cụ thể, diện tích thu hồi đất làm sân bay Long Thành gần 5.400 ha đất. Tại Nghị quyết 53, Quốc hội yêu cầu thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Khi niên độ dự án (2017 - 2021) kết thúc, Kho bạc Nhà nước đã dừng việc giải ngân cho dự án.

Theo Ủy ban Kinh tế, để hoàn thành công tác thu hồi đất cho toàn bộ 5.000 ha và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1, UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng ngân sách tỉnh để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Do quá trình thực hiện có một số thay đổi so với Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (khu tái định cư, tổng mức đầu tư…), tỉnh Đồng Nai kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh dự án.

Các tuyến giao thông kết nối T1, T2 với sân bay Long Thành nằm trong dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc hai tuyến đường này chưa được xác định vị trí để bố trí tái định cư.

Mặt khác, UBND huyện Long Thành đã tạm dừng tính toán hỗ trợ cho một số đối tượng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để chờ hướng dẫn xử lý. Điều này, dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại.

Cũng theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, cuộc sống của người dân tại Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn tuy từng bước ổn định nhưng vẫn còn thiếu các tiện ích công cộng như chợ, trường học, các thiết chế văn hóa do chưa xây dựng xong…

Sớm nghiên cứu mở rộng cao tốc nối sân bay Long Thành với TP.HCM

Đề cập đến Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng “tiến độ của dự án còn rất chậm” và “gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Theo báo cáo, với dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước), mới có trụ sở đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam và trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã được bố trí vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai theo đúng kế hoạch.

“Công tác bố trí vốn của các Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai còn chậm”- Uỷ ban Kinh tế nêu.

Với dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) và dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong Cảng hàng không), cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá “cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự kiến”.

Còn dự án thành phần 4 (các công trình khác), UBND tỉnh Đồng Nai mới hoàn thành công tác giải phòng mặt bằng để giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để bảo đảm tiến độ cần quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan liên quan. Từ đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tỉnh Đồng Nai và một số bộ tập trung giải quyết các nội dung về bố trí vốn, giao chủ đầu tư và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện dự án trụ sở cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, đáp ứng tiến độ hoàn thành trước ngày 31-12-2024.

Đồng thời, sớm ban hành các chính sách phù hợp, giúp các chủ đầu tư có thể chủ động cân đối dự toán, xây dựng kế hoạch giải ngân phù hợp, giảm thiểu tối đa tác động của giá nhiên liệu và nguyên vật liệu tới chi phí đầu tư xây dựng các dự án thành phần.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị sớm nghiên cứu triển khai Dự án mở rộng đường cao tốc kết nối Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM để đảm bảo giao thông kết nối khi Dự án đi vào vận hành, khai thác.

Ủy ban Kinh tế lưu ý việc triển khai công tác san nền giai đoạn 2, nhất là dự án nhà ga T3 sau khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn bay.

“Thi công san nền sẽ phát sinh bụi làm hạn chế tầm nhìn, gây nguy hiểm cho máy bay khi cất và hạ cánh”- Ủy ban Kinh tế lý giải và đề nghị cần sớm nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Hồi đầu tháng 8, Chính phủ có tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53 để có cơ sở giải ngân và triển khai các bước tiếp theo.

Các nội dung Chính phủ đề nghị điều chỉnh gồm: giảm tổng mức đầu tư dự án; diện tích đất thu hồi; thời gian thực hiện dự án và bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Uỷ ban Kinh tế cho rằng việc xem xét điều chỉnh các nội dung trên là cần thiết. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉnh sửa tờ trình chỉ trình Quốc hội xem xét, quyết định hai nội dung là thời gian thực hiện dự án và vốn bố trí cho dự án và đề nghị xem xét đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6, không ban hành một nghị quyết riêng.

Các nội dung điều chỉnh còn lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả của dự án, lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm