Cần đánh giá hậu quả việc kéo dài dự án thu hồi đất sân bay Long Thành

(PLO)- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ đánh giá việc kéo dài thời gian thu hồi đất sân bay Long Thành (Đồng Nai) thêm 3 năm.

Chiều 28-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017 về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.

Nguyên nhân dự án phải kéo dài thêm 3 năm

Thừa ủy quyền lãnh đạo Chính phủ báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, cho biết dự án trên được giao cho UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện và hoàn thành trước năm 2021. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, địa phương gặp một số khó khăn nên phải xin điều chỉnh một số nội dung của nghị quyết cho tiện triển khai dự án.

Cụ thể ở đây là việc Chính phủ xin điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỉ đồng xuống trên 19.207 tỉ đồng, giảm 3.730 tỉ đồng so với nghị quyết hiện hành. Trong đó, chi phí xây dựng hạ tầng các khu tái định cư giảm 1.864 tỉ đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư giảm 1.859 tỉ đồng…

san-bay-long-thanh.jpg
Việc thu hồi đất sân bay Long Thành đến nay vẫn chưa xong. Ảnh: V.HỘI

Về diện tích thu hồi đất, Chính phủ cho biết theo phê duyệt hiện nay là trên 5.317 ha, nhưng quá trình triển khai thực tế địa phương không đầu tư đối với diện tích đất Phân khu III - Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn và giảm diện tích đất khu nghĩa trang. Vì vậy, dự án giảm 82 ha so với nghị quyết của Quốc hội.

Về thời gian thực hiện dự án, Chính phủ cũng xin điều chỉnh kéo dài đến năm 2024, thay vì 2021 như nghị quyết ban đầu.

Nguyên nhân, từ năm 2019 đến năm 2021 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo tiến độ khi khối lượng công việc quá lớn.

Nếu để tiến độ như hiện nay, kho bạc Nhà nước không thể giải ngân đối với các công việc đã thực hiện cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. Vì vậy, để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1, UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm ứng ngân sách tỉnh để thực hiện chi trả.

Do vậy, sau khi được Quốc hội chấp thuận kéo dài thời gian và được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh dự án, UBND tỉnh Đồng Nai mới đủ điều kiện triển khai thực hiện các thủ tục giải ngân và khấu trừ đối với vốn ngân sách tỉnh đã tạm ứng để thực hiện dự án.

Chính phủ cũng xin điều chỉnh bố trí tái định cư các hộ dân thuộc hai tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn để kịp tiến độ đầu tư hai tuyến giao thông kết nối.

Xem xét lại thẩm quyền điều chỉnh dự án

Báo cáo thẩm tra sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết các căn cứ lập tổng mức đầu tư điều chỉnh và lý do điều chỉnh còn chung chung, mang tính định tính. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, tránh việc phải tiếp tục điều chỉnh.

Về thời gian thực hiện dự án kéo dài thêm ba năm, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung đánh giá ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện dự án.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.

quoc-hoi.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.THẮNG

Về việc bố trí tái định cư các hộ dân thuộc hai tuyến giao thông kết nối vào khu dân cư, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ chưa làm rõ về sự cần thiết và đánh giá tác động đối với việc đầu tư xây dựng hai tuyến giao thông kết nối T1, T2 và cũng chưa nêu được lý do về việc phát sinh tăng 1.549 hộ phụ so với quy hoạch được duyệt.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá lại năng lực khảo sát, quy hoạch của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Song song đó, đánh giá tác động, bổ sung kết quả khảo sát, lấy ý kiến người dân để làm căn cứ giải quyết các vấn đề nảy sinh, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hạn chế xảy ra tình trạng khiếu kiện, tránh tình trạng lợi dụng việc bố trí tái định cư để trục lợi chính sách.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng diện tích sử dụng đất tăng lên so với dự kiến ban đầu thì mới phải điều chỉnh chủ trương để thu hồi thêm; còn đất thu hồi giảm, không sử dụng đến thì tốt. “Nhưng việc Quốc hội điều chỉnh nghị quyết thì đủ cơ sở để điều chỉnh không ?”.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ có nội dung kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết, và chuyển các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn là thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn diện tích đất giảm, kinh phí giảm hoặc có dự án thành phần tăng một chút là do tổ chức thực hiện.

"Nếu Quốc hội điều chỉnh sau này kiểm toán vào nói không phải thế, các cơ quan chức năng bảo không phải thế thì tự dưng Quốc hội lại đi làm cái việc là hợp thức hóa các nội dung thực tế phát sinh”- Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Báo cáo thêm sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết băn khoăn về việc giảm, không thực hiện đầu tư đối với diện tích đất phân khu III - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn. Vì trước đây ngân sách Trung ương bố trí để thu hồi đất và nay tỉnh Đồng Nai đề nghị trả lại cho ngân sách Trung ương.

“Thu hồi đất cho tái định cư mà không sử dụng đúng mục đích, nếu sử dụng cho nhà ở thương mại hay dự án bất động sản thì sẽ gây khiếu kiện. “Nội dung này đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc”- ông Thanh nói.

Về hai nội dung tổng mức đầu tư và diện tích đất thu hồi “không tăng” so với Nghị quyết 53, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thảo luận, rà soát các nội dung để trình Quốc hội xem xét nội dung thuộc thẩm quyền. Riêng nội dung kéo dài thời gian thực hiện, Chính phủ cần đánh giá bổ sung sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành.

Cho tỉnh Đồng Nai kéo dài thời gian giải ngân là không khả thi

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc Chính phủ kiến nghị “cho phép UBND tỉnh Đồng Nai kéo dài thời gian giải ngân số vốn hơn 2.510 tỉ đồng” là không khả thi, không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát lại nội dung này để đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm