Trong tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62.000 tỉ đồng cho khoảng 20 triệu người. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỉ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn
Chính phủ cũng dự kiến hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỉ đồng); cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỉ đồng).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với chủ trương triển khai hỗ trợ người dân của Chính phủ.
Về đối tượng, mức hỗ trợ, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng đại đa số các doanh nghiệp, người dân đều bị ảnh hưởng khó khăn chung bởi dịch COVID- 19, trong đó, nhiều ngành nghề, nhiều công việc có tính chất đặc thù sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn như du lịch, nhà hàng, vận tải, dệt may...
“Việc hỗ trợ trực tiếp đối với những đối tượng cụ thể đòi hỏi phải cân nhắc kỹ để bảo đảm công bằng, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đứng trước rất nhiều khó khăn như hiện nay” - báo cáo thẩm tra nêu rõ và dẫn chứng việc giá dầu thô đang giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; thu từ các doanh nghiệp trong nước giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn…
Từ nhận định này, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị khi xác định các đối tượng hỗ trợ cụ thể cần bám sát các nguyên tắc đề ra là “đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19”.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do…) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện.
Về mức hỗ trợ: Cần rà soát, quy định cụ thể để người dân gặp khó khăn duy trì cuộc sống tối thiểu, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các nhóm đối tượng và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
Liên quan đến việc hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động được vay với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc thực hiện chính sách này là cần thiết và phù hợp với điều kiện hiện nay. Do đó, ủy ban thống nhất với đề nghị Chính phủ để thực hiện ngay chính sách này, song cần quy định chặt chẽ, gắn trách nhiệm của người sử dụng lao động và hỗ trợ của Nhà nước.
Về tỉ lệ hỗ trợ các địa phương, Ủy ban Tài chính Ngân sách “cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ”, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc…; không để xảy ra tình trạng ban hành chính sách nhưng không đảm bảo nguồn lực để thực hiện.
“Dù tình huống là cấp bách song đây là gói hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài dịch bệnh chưa thể xác định rõ, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn các tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô” - báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu.