Ngày 21-12, sau hai ngày xét xử sơ thẩm vụ Nguyễn Văn Hết cùng bốn đồng phạm bị truy tố về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, TAND TP Cần Thơ vào nghị án và cho biết sẽ tuyên án vào 8 giờ ngày mai (22-12).
Từ trái qua, các bị cáo Dung, Phong, Hoài, Nguyện, Hết tại phiên tòa ngày 21-12. Ảnh: N.NAM
Đại diện VKS đã đề nghị phạt Hết 19-21 năm tù, Dương Thanh Phong 12-14 năm tù, Phan Việt Hoài 4-6 năm tù, cùng về hai tội trên; đề nghị phạt Nguyễn Ngọc Nguyện 12-13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đề nghị phạt Hứa Thị Thùy Dung 2-3 năm tù treo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đáng chú ý, đại diện VKS đã đề nghị tòa thu hồi số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại gần 3 tỉ đồng để sung công vì giao dịch giữa các bị cáo và bị hại là giao dịch trái pháp luật.
Phát biểu ý kiến, có bị hại đồng ý với đề nghị của VKS, có người không đồng ý và có người xin “cưa đôi” số tiền trên để họ có điều kiện tìm việc khác cho con cháu mình...
Theo cáo trạng, năm 2006, Hết thành lập và giữ chức vụ giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Tiến Đạt (trụ sở tại TP Cần Thơ). Năm 2014, biết một số người có nhu cầu làm việc trong ngành công an, học trường trung cấp cảnh sát, Hết nảy sinh ý định dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo.
Theo đó, Hết tự giới thiệu mình có quen biết với cán bộ Vụ Tổ chức Bộ Công an nên có thể lo chạy việc, chạy học vào ngành công an. Hết cho các bị hại số điện thoại của mình nhưng nói đó là số của cán bộ Vụ Tổ chức Bộ Công an tên HHT và TVT để bị hại tự liên lạc.
Hết chỉ đạo Phong và Việt (nhân viên công ty) cùng tham gia đóng giả cán bộ Vụ Tổ chức để nghe điện thoại, gặp bị hại hoặc đóng giả người nhà cán bộ Vụ Tổ chức để nhận tiền của bị hại... Giá mỗi vụ chạy việc, chạy học vào ngành công an 150-250 triệu đồng. Quá trình thực hiện tội phạm của các bị cáo còn có Nguyễn Ngọc Nguyện cùng tham gia.
Cuối cùng, Hết sao chụp lại quyết định nhận có thật trong ngành công an rồi. Hết yêu cầu Dung (nhân viên của công ty) soạn thảo các văn bản rồi đem cắt, ghép chữ ký, con dấu của ngành công an vào để làm ra các thông báo, quyết định tuyển dụng giả giao cho các bị hại.
Từ tháng 7-2014 đến 3-2015, Hết cùng các đồng phạm thực hiện tổng cộng 36 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 3 tỉ đồng. Trong đó, có 30 vụ lừa chạy việc, chạy học vào ngành công an, hai vụ lừa xin việc vào ngành bảo hiểm xã hội, một vụ lừa xin vào công ty sổ xố, một vụ lừa xin việc vào bệnh viện, một vụ lừa chuyển việc trong bộ đội và một vụ lừa làm giấy tờ nhà đất.