Đề nghị trang bị vũ khí cho kiểm ngư

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chính phủ đề nghị trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm ngư khi thi hành nhiệm vụ”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói khi trình bày tờ trình dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-7.

“Lực lượng kiểm ngư là lực lượng hoạt động độc lập, có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam... Đây là lực lượng thường xuyên phải đối mặt với các hành vi vi phạm pháp luật nhưng hiện nay mới chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ. Để lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chính phủ đề nghị trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm ngư khi thi hành nhiệm vụ” - Bộ trưởng Hoàng nói.

Được trang bị vũ khí, lực lượng kiểm ngư sẽ bảo vệ vững chắc ngư trường trên các vùng biển nước ta hiện phức tạp. Ảnh: CTV

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đồng tình với đề xuất trên vì cho rằng việc quản lý, bảo vệ ngư trường trên các vùng biển nước ta hiện phức tạp.

Nhiều thành viên ủy ban đề nghị Chính phủ phải có quy định rõ loại súng được trang bị cho phù hợp và có biện pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ khi hoạt động ở các vùng biển ngoài lãnh hải thuộc quyền chủ quyền của nước ta để bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tránh làm phức tạp tình hình không cần thiết.

Lực lượng điều tra của VKSND cũng đề nghị trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng không được Chính phủ chấp thuận đưa vào dự thảo pháp lệnh. “Thực tế, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao chỉ điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tính chất manh động, chống trả của loại tội phạm này ít nguy hiểm, số vụ điều tra không nhiều. Việc Chính phủ đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan này là hợp lý. Còn trường hợp có nhu cầu được trang bị công cụ hỗ trợ thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 30 của pháp lệnh hiện hành” - ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.

Nên cho báo chí tham dự nội dung bầu nhân sự

Cho ý kiến đánh giá về kết quả của kỳ họp thứ 5 và nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần cân nhắc lại việc cho báo chí tham dự các vấn đề về nhân sự. “Tại kỳ họp thứ nhất bầu chủ tịch nước báo chí vẫn tham dự. Trong khi lần này chỉ bầu tổng kiểm toán, bộ trưởng Bộ Tài chính sao lại không cho báo chí dự. Đây không là phạm vi bí mật quốc gia, nên cho báo chí tham dự” - ông Sơn nhấn mạnh.

Đối với các nội dung của kỳ họp thứ 6 (khai mạc vào ngày 21-10 và bế mạc vào ngày 26-11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần quan tâm đặc biệt đến việc rà soát các công trình thủy điện. Trong đó phải đưa ra những quyết định cuối cùng, trong đó có cả dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A…

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới