Đề nghị xác định rõ thời gian hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc - Nam

(PLO)- Chính phủ đề xuất khi lựa chọn các gói thầu EPC, gói thầu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài tại dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng với việc báo cáo Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, mới đây, Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự án này. Trong đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án.

Dự án lớn nên cần có sự giám sát từ đầu

Trong dự thảo nghị quyết Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ nguyên 19 cơ chế đặc thù để Quốc hội xem xét thông qua nhưng điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.

Cụ thể, đối với công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng), gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, tổ thẩm định ngoài thành phần theo quy định của pháp luật về đấu thầu phải có sự tham gia của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Thêm vào đó, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ tổng mức đầu tư do tư vấn lập cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán đồng thời với quá trình thẩm định dự án của cơ quan có thẩm quyền. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm gửi kết quả kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm toán.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2035. Ảnh minh hoạ. Ảnh: V.LONG
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2035. Ảnh minh hoạ. Ảnh: V.LONG

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm cử đại diện tham gia trong quá trình thẩm định dự án đầu tư theo đề nghị của cơ quan thẩm định dự án.

Lý giải về đề xuất trên, Chính phủ cho rằng đây là dự án lớn, đặc biệt quan trọng, có công nghệ kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện dự án dài, với nhiều gói thầu đặc biệt lớn, phức tạp về kỹ thuật, công nghệ. Vì vậy, việc phê duyệt dự toán cần phải được rà soát từ đầu của các cơ quan có liên quan nhằm nâng cao tính công khai minh bạch, hạn chế các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thực tiễn việc triển khai các dự án ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với dự án lớn như đường sắt cao tốc, nhiều gói thầu được lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thầu nước ngoài. Bởi vậy việc dự toán gói thầu được chuẩn xác thông qua ý kiến của các cơ quan có liên quan trên ngay từ đầu sẽ góp phần “hạn chế các vướng mắc, dẫn đến tranh chấp pháp lý quốc tế".

Chính phủ lý giải khái niệm “cơ bản hoàn thành dự án”

Về thời gian hoàn thành dự án, Chính phủ quyết tâm theo lộ trình như đã đề xuất trước đây. Cụ thể, đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang khởi công năm 2027, đoạn còn lại khởi công vào năm 2028 và “phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035”.

Tuy nhiên, có ý kiến từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng theo quy định của pháp luật không có khái niệm “cơ bản hoàn thành”. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xác định rõ thời gian hoàn thành dự án đưa vào vận hành, khai thác để Quốc hội có cơ sở giám sát theo quy định.

Về vấn đề này, Chính phủ cho biết với tính chất đặc thù của vận hành đường sắt, sau khi hoàn thành dự án cần tiếp tục triển khai các công việc như vận hành chạy thử (đơn động, liên động), đánh giá an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác thương mại. Bởi vậy, việc xác định chính xác thời gian vận hành khai thác ở thời điểm hiện tại chỉ mang tính dự kiến.

Mặt khác, dự án đặc biệt lớn, chưa có tiền lệ, có quy mô và tính chất kỹ thuật phức tạp, tích hợp nhiều chuyên ngành, trong nước triển khai lần đầu, chưa có kinh nghiệm, nhân lực hạn chế và quá trình thực hiện sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc mà trong bước nghiên cứu tiền khả thi chưa lường hết được, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Về khái niệm cơ bản hoàn thành, thực tiễn trong thời gian qua, một số dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội đã cho phép xác định thời gian “cơ bản hoàn thành”. Chẳng hạn như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án đường Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội.

Với lý do trên, Chính phủ đề xuất “phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035”. Trong bước tiếp theo sẽ tiếp tục xác định cụ thể các mốc tiến độ làm cơ sở để Quốc hội giám sát.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành. Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha. Số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.713.548 tỉ đồng, dự kiến được lấy từ vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm