Để quy hoạch chung TP.HCM xứng tầm với tên gọi 'đô thị đặc biệt'

UBND TP.HCM vừa có quyết định duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán chi phí lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và các tỉnh xung quanh thuộc vùng TP.HCM với diện tích khoảng 30.404 km2.  

Điều này cho thấy công tác quy hoạch ở TP.HCM là TP đông nhất nước luôn rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn TP,HCM đang “vươn mình” phát triển với biết bao triển vọng, kế hoạch lớn, với TP mới, khu đô thị mới.

TP.HCM hay địa danh Sài Gòn đã trải qua hơn 300 lịch sử từng được dùng để chỉ một khu vực với diện tích khoảng 1 km² (Chợ Lớn), đến nay đã mở rộng lên đến hơn 2.000 km2.

Cùng với mỗi giai đoạn lịch sử đều đi kèm với công tác quy hoạch phù hợp. Như trong giai đoạn 1945-1975, vào những năm 1960, quy hoạch tổng mặt bằng Sài gòn Chợ Lớn được giao cho KTS Ngô Viết Thụ soạn thảo, tuy nhiên dưới ảnh hưởng của các biến động và làn sóng dân nhập cư nên đô thị phát triển nhanh chóng làm phát sinh nhiều vấn đề.

Đến sau năm 1975, quy hoạch tổng thể TP được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 16-1-1993. TP lúc đó mới chỉ phát triển chủ yếu về phía Thủ Đức đến giáp giới Dĩ An – Biên Hoà, nơi có điều kiện địa chất và hạ tầng tương đối tốt, và phát triển các hướng phụ về phía Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn.

Đến giai đoạn TP phát triển mạnh hơn, Chính phủ có quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020, được Thủ tướng phê duyệt ngày 10-7-1998, xác định TP.HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính… với hướng phát triển rộng ra các tỉnh, vùng xung quanh.

Tiếp đó, Quyết định số 24 ngày 6-1-2010 phê duyệt quy hoạch chung TP.HCM đến 2025 thể hiện việc phát triển TP mạnh mẽ hơn. Và đến nay TP tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Không chỉ với riêng TP.HCM, điều chỉnh quy hoạch chung toàn TP lần này có lưu ý quan trọng về mặt liên kết vùng, lấy TP làm điểm trọng tâm kết nối các tỉnh xung quanh, làm sức bật cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà trong đề cương nhiệm vụ lập đồ án, phạm vi nghiên cứu gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404 km2.

Liên kết vùng còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi sân bay Long Thành tương lai được hình thành, hàng loạt cao tốc phía Nam được đầu tư, đồng thời là sự phát triển đầy hứa hẹn của các tỉnh vùng ven TP.HCM sau này.

Lý giải như Sở QH-KT TP, đây là công việc quan trọng, mang tính chiến lược cho giai đoạn sắp tới của TP. Có thể thấy với việc thành lập TP trong TP lần đầu tiên cả nước là TP Thủ Đức, kế hoạch phát triển TP sinh thái Cần Giờ, mong muốn Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính quốc tế hay câu chuyện quy hoạch ven sông Sài Gòn… giai đoạn phát triển sắp tới có thể là một giai đoạn phát triển lịch sử mới trong chiều dài hơn 300 năm của TP.HCM.

Nói như ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM trong buổi tổng kết năm tại Sở QH-KT TP tháng trước: “Tôi rất mong chúng ta tiếp tục mời gọi trí tuệ của mọi người, của những người đi trước để cùng hợp sức, làm cho quy hoạch của TP.HCM xứng tầm với tên gọi đô thị đặc biệt, siêu đô thị TPHCM, TP đông dân nhất cả nước”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm