Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

(PLO)- Theo nhiều nhà giáo, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là một chủ trương lớn và cần thiết, cần có lộ trình để triển khai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-8, Bộ Chính trị đã ra kết luận về thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2

Cụ thể, các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Thầy Lại Huy Hoàng, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 (TP.HCM),
cho rằng chủ trương trên được thực hiện sẽ tạo môi trường thuận lợi để học sinh rèn luyện tiếng Anh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 cần rất nhiều yếu tố và sẽ trải qua không ít khó khăn. Bởi thực tế, đối với những học sinh từ trước đến giờ học toán và các môn khoa học chủ yếu bằng tiếng Việt sẽ rất khó khi sử dụng tiếng Anh, vì có những thuật ngữ chuyên môn đòi hỏi phải có thời gian. Vì thế, trường học cần phải tạo ra không gian, môi trường để các em giao tiếp bằng tiếng Anh.

TP.HCM đang đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2
Giờ học tiếng Anh tích hợp của học sinh TP.HCM. Ảnh: KB

Giờ học tiếng Anh tích hợp của học sinh TP.HCM. Ảnh: KB

Ở góc độ nhà trường, bà Nguyễn Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết chủ trương trên sẽ là cơ chế giúp việc dạy tiếng Anh tăng cường của trường đạt kết quả cao hơn.

Tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng hoan nghênh TP.HCM đã 10 năm thí điểm dạy các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp. Ông đề nghị Sở GD&ĐT trao đổi, thảo luận với các vụ, cục của Bộ GD&ĐT để TP.HCM có trường học sử dụng tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc.

Tại Trường Trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM, tiếng Anh luôn là thế mạnh của học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp THPT về bộ môn này hằng năm luôn cao hơn điểm trung bình TP khoảng 3 điểm. Hơn nữa, 90% học sinh của trường có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 4.5 đến 8.5.

“Qua khảo sát học sinh lớp 10, có đến 58% mong muốn đi du học, do đó việc học tiếng Anh với người nước ngoài không chỉ giao tiếp mà còn đặt yêu cầu học sinh lấy được chứng chỉ quốc tế... Vì thế, vấn đề đặt ra là tổ chức dạy tiếng Anh như thế nào để có được sự đồng thuận của phụ huynh” - bà Tú nói.

Thách thức rất lớn

Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học thì tiếng Anh cần phải được sử dụng phổ biến trong chính giáo trình, quá trình giao tiếp. Đây là một cản trở lớn đối với nhiều vùng miền, khi mà vấn đề nằm ở chính trình độ của giáo viên.

Theo cô Nguyễn Bích Thủy, giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, việc học tiếng Anh tại các trường, các địa phương chưa được đồng đều. Đội ngũ dạy tiếng Anh cần phải đạt chuẩn, phải có trình độ chuyên sâu thì mới có thể dạy được tiếng Anh với vai trò là ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Đây là một thách thức rất lớn.

Còn theo phó hiệu trưởng một trường THPT công lập ở Hà Nội, đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một chủ trương lớn, cần có lộ trình để triển khai theo từng bước và chắc chắn trong quá trình triển khai sẽ gặp nhiều thách thức. Trong đó, một trong những khó khăn nhất là chuẩn bị được đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng đủ yêu cầu.

Để tăng tính chủ động và niềm yêu thích tiếng Anh với học sinh, trường đã thành lập câu lạc bộ tiếng Anh. Sau đó vận động, khích lệ học sinh tham gia thể hiện mình thông qua việc viết truyện bằng tiếng Anh, thuyết trình về đề tài yêu thích bằng tiếng Anh, hát bằng tiếng Anh, tăng cường giao tiếp, trao đổi, trò chuyện hằng ngày bằng tiếng Anh…

Tại Hà Nội, vào cuối tháng 8-2024, Sở GD&ĐT đã tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho giáo viên tiếng Anh.

Khóa học có sự tham gia của 1.900 giáo viên tiếng Anh (được chia thành 95 lớp) đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc Việt Nam thuộc các cấp học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP. Mục đích của khóa học là bồi dưỡng, đào tạo, nâng chuẩn IELTS quốc tế cho giáo viên dạy tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia.

Theo cô Trần Nguyễn Hương Giang, tổ trưởng chuyên môn tổ tiếng Anh Trường THPT Hùng Vương, quận 5, nhấn mạnh việc thực hiện chủ trương trên cần phải có lộ trình. Có thể thực hiện theo từng giai đoạn, ưu tiên triển khai trước ở những địa phương có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng giảng dạy như TP.HCM chẳng hạn. Hơn nữa, cần thực hiện thí điểm ở một số lớp/một số trường học có mặt bằng học sinh năng động, có trình độ tiếng Anh khá, giỏi để rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa chủ trương, đội ngũ giáo viên tiếng Anh và giáo viên dạy bộ môn khác cần được đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh để có thể giảng một số môn học bằng tiếng Anh, giao tiếp với học sinh bằng tiếng Anh.

Mặt khác, trường học phải khuyến khích và tạo môi trường để các em giao tiếp tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi. Và các nơi công cộng như quán ăn, nhà hàng, sân bay cần sử dụng các bảng hiệu, bảng chỉ dẫn truyền thông bằng song ngữ.

TP.HCM sẽ thí điểm từ năm học tới

Năm học này, Sở GD&ĐT TP.HCM xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Sau khi hoàn thành sẽ triển khai thí điểm ở một số trường từ năm học 2025-2026.

Hiện các phòng chuyên môn đang rà soát các nội dung xây dựng dự thảo tiêu chí. TP.HCM có nhiều thuận lợi khi thí điểm triển khai việc này nhờ hiệu quả từ chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp…

Việc thí điểm tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai sẽ sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước kết hợp với các mô hình xã hội hóa. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực của giáo viên, trang bị cơ sở vật chất dạy học hiện đại.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm