Để tiếp tục thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

(PLO)- Số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2022 được xem là tín hiệu rất tích cực đối với ngành du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu rất tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Để phát huy lợi thế trên, nhiều địa phương đang tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến và quảng bá du lịch đến các nước để thu hút thêm lượng khách quốc tế.

Việt Nam đứng “tốp” tìm kiếm

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết tính chung trong bảy tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch ghi nhận sự sôi động trở lại trên cả nước khi đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần chín lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Du lịch thông tin: Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng 50%-75%, mức tăng cao thứ tư thế giới.

Trong đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3. So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7 vừa qua tăng trên 1.200%.

Khách du lịch nước ngoài đến TP.HCM sau dịch. Ảnh: LINH PHƯƠNG.

Khách du lịch nước ngoài đến TP.HCM sau dịch. Ảnh: LINH PHƯƠNG.

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel đánh giá năm 2022 sẽ chỉ là các bước chuẩn bị và xúc tiến lại thị trường du lịch quốc tế. Bởi khách quốc tế cần từ sáu đến chín tháng để chuẩn bị cho kế hoạch đi du lịch nước ngoài. Dự kiến từ quý I-2023 lượng khách quốc tế đến TP.HCM mới bùng nổ.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng: Khách quốc tế đến Việt Nam cao điểm từ tháng 9 năm nay đến khoảng tháng 4 năm sau.

Theo ông Thủy, để đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch sẽ phối hợp với các đối tác liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Các địa phương nỗ lực nâng cao chất lượng du lịch

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Sáu tháng đầu năm, tỉnh đón 35.000 lượt khách quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 1,4 triệu lượt khách quốc tế năm 2022.

Do đó, ngành du lịch sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển mới các sản phẩm du lịch. Từ đó tạo sức hấp dẫn, mới lạ cho các điểm đến của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đang nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường ngoài nước có nhiều tiềm năng, triển vọng...

“Đặc biệt, chúng tôi sẽ làm việc với các hãng hàng không và lữ hành để mở đường bay qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến). Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ tổ chức chương trình khảo sát cho các hãng lữ hành, báo chí quốc tế; đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường...” - ông Thủy nói.

Về phía tỉnh Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, cũng cho biết mục tiêu của ngành du lịch là đón thêm khoảng 60.000 lượt khách quốc tế vào những tháng cuối năm. Đây cũng là tiền đề để đẩy mạnh khôi phục du lịch quốc tế trong năm 2023.

“Sắp tới, Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh xúc tiến để mở thị trường du lịch Ấn Độ. Việc khai mở các thị trường du lịch lớn như Ấn Độ sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu nguồn khách quốc tế của Khánh Hòa, hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng để thu hút du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch TP và các doanh nghiệp du lịch đã cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, độc đáo và nâng chất trải nghiệm của du khách.

Ngành du lịch xác định ba nhóm sản phẩm du lịch để tập trung phát triển: Du lịch đường thủy; du lịch giải trí - ẩm thực - dịch vụ về đêm; du lịch khám phá lịch sử, kiến trúc và nghề truyền thống.

“TP.HCM nhấn mạnh tính liên kết trong hoạt động kinh doanh cũng như công tác quảng bá du lịch của doanh nghiệp. TP chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, đầu tư xây dựng sản phẩm mới góp phần định vị du lịch TP trong mùa hè năm 2022 và những năm tiếp theo” - bà Hoa nói.•

Bốn vấn đề cần giải quyết

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận: Để tiếp tục thu hút khách quốc tế cần giải quyết bốn vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ cần tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam nhiều hơn, thuận lợi hơn, điển hình là miễn visa.

Thứ hai là thị trường du lịch. Sau dịch COVID-19, mọi thứ đã thay đổi, đòi hỏi du lịch Việt Nam phải phát triển những thị trường mới. Chúng ta cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trực tiếp triển khai một số công việc xúc tiến du lịch, mở thị trường mới như Mỹ, Úc, Ấn Độ…

Khách quốc tế thích thú với du lịch sông nước ở Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Khách quốc tế thích thú với du lịch sông nước ở Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Thứ ba là nguồn lực lao động. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực. Có thể đào tạo bài bản như trước đây hoặc bồi dưỡng ngắn hạn.

Cuối cùng là sản phẩm du lịch. COVID-19 làm thay đổi nhu cầu dẫn đến thay đổi sản phẩm du lịch. Chẳng hạn du lịch MICE thời gian gần đây đã nổi bật lên khi nhiều phòng họp trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng không còn chỗ trống. Ngoài ra, du lịch thể thao, golf cũng tiềm năng. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp loại hình sản phẩm, dịch vụ này nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm