Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đề minh họa của tất cả môn thi được thiết kế dựa trên nguyên tắc bảo đảm khoảng 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. Về hai bài thi tổ hợp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay thời gian làm bài trọn vẹn của thí sinh là 150 phút cho ba môn, mỗi môn 50 phút. Hết thời gian của từng môn, thí sinh sẽ phải nộp bài và được phát đề để làm môn tiếp theo nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan.
Đề tổ hợp khoa học tự nhiên khá áp lực
ThS Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP.HCM), nhận xét bài thi môn toán và bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) phần lớn kiến thức nằm trong lớp 12, vì vậy việc học tập của học sinh (HS) sẽ nhẹ nhàng hơn. Kết quả làm thử môn hóa cho thấy để đạt điểm 6 thí sinh phải có sự vận dụng kiến thức nâng cao, bình thường sẽ đạt điểm 5. Tuy nhiên, trong phần nâng cao mức độ khó lại giảm hơn so với đề thi năm 2016, riêng câu cực khó chưa thấy trong đề minh họa lần này. Tính chung các môn lý, hóa, sinh có 24 câu đầu có mức độ dễ, 16 câu còn lại có mức độ khó hơn.
Kết quả bấm đồng hồ cũng cho thấy làm cật lực trong thời gian 50 phút mới hoàn tất bài thi môn hóa, tính chung ba môn tổ hợp KHTN (lý-hóa-sinh) có thời gian 150 phút, giảm 40 phút so với làm từng môn như trước đây. Như vậy đây cũng là áp lực, thí sinh cần tính toán hợp lý để hoàn thành bài thi tổ hợp không bị điểm liệt từng môn.
TS Trần Nam Dũng, giảng viên toán Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng về bố trí kết cấu bài thi, các môn tổ hợp KHTN bố trí từ khó đến dễ, riêng môn toán bố trí xen kẽ theo chương, dễ đến khó, sau đó lặp lại dễ-khó. Đặc biệt xuất hiện các bài toán thực tiễn có ý nghĩa liên quan đến các kiến thức trong chương trình 12 như câu 10 (ứng dụng của đạo hàm trong bài toán tối ưu), câu 21 (ứng dụng cấp số nhân trong bài toán trả góp), câu 24 (ứng dụng tích phân trong vật lý), câu 40 (ứng dụng thể tích trụ trong kỹ thuật). Đây cũng là những bài toán khó nhất, thú vị nhất trong đề thi. Nếu tiếp tục được khai thác thêm, bổ sung những tình huống ứng dụng đa dạng khác sẽ góp phần giúp HS hiểu được ý nghĩa và ứng dụng của các khái niệm toán học.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017, nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình kiến thức lớp 12. Ảnh: PHI HÙNG
Với cách ra đề như đề minh họa, HS sẽ cần phải học đều hơn, chú ý đến cả những nội dung mà trước đây bỏ qua hoặc chỉ lướt qua như tiệm cận, số phức, tính chất hàm logarit, mặt tròn xoay…
“Bên cạnh những ưu điểm, đề minh họa cũng còn có một số khuyết điểm: Thứ nhất là đa số phương án nhiễu chưa hay, chưa được xây dựng trên các sai lầm thường gặp của thí sinh. Có đáp án đúng lại chưa được ghi theo đúng bản chất của nó, khiến HS đôi khi làm ra rồi mà không biết là đúng. Thứ hai, dù đã để ý đến lý thuyết và các bài có tư duy định tính nhưng phần tư duy định lượng vẫn áp đảo” - ông Dũng cho biết.
Đề ngữ văn độ phân hóa chưa cao
Thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Vĩnh Viễn, đánh giá đề thi mẫu môn ngữ văn có hai sự thay đổi. Thứ nhất, số lượng câu hỏi giảm và yêu cầu ngắn gọn, không có nhiều bất ngờ. Thứ hai, thời gian làm bài rút ngắn từ 180 phút xuống còn 120 phút.
Cụ thể, phần đọc hiểu từ tám câu giảm xuống còn bốn câu, đồng thời thứ tự điểm trong câu cũng thay đổi theo, chẳng hạn phần nghị luận xã hội năm 2016 là 3 điểm nay còn 2 điểm. Ngược lại, phần nghị luận văn học năm 2016 là 4 điểm, năm tới là 5 điểm. Về bố cục phần nghị luận xã hội từ yêu cầu viết thành một bài văn, năm tới yêu cầu viết một đoạn văn, tương ứng số từ là 600 sẽ giảm xuống còn 200, thí sinh sẽ khá lúng túng.
Về vấn đề này, cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng chuyên môn ngữ văn Trường THPT Trưng Vương, nhận xét đề thi minh họa có nội dung và lượng kiến thức phù hợp. Cụ thể phần đọc hiểu, văn bản được chọn làm ngữ liệu cho đề thi tốt, số lượng câu hỏi đã được giảm xuống hợp lý (một văn bản với ba câu hỏi). Phần làm văn, câu nghị luận xã hội có sự thống nhất với nội dung của ngữ liệu đọc hiểu, giúp HS có thể tập trung trong nội dung làm bài. Câu nghị luận văn học chưa mới, chưa phát huy tính sáng tạo và yêu cầu kiểm tra năng lực HS. Đề phù hợp với thời gian và năng lực của HS trung bình khá, có dành thời gian ôn tập, học bài.
“Với đề minh họa năm 2017, theo tôi, độ phân hóa chưa cao, chưa phân loại HS, chưa thấy rõ yêu cầu công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ. Dự đoán nhiều HS đạt được điểm khá nếu tập trung ôn luyện tốt” - cô Nguyên nhận định.
Đề tiếng Anh: Độ khó tương đối Các câu hỏi trong đề bám sát với các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, bài học trong chương trình tiếng Anh phổ thông. Độ khó của đề minh họa tương đối, vẫn có câu phân hóa HS. Các câu hỏi ở các phần giảm số câu, phân hóa tốt. So với hai năm trước, có thể nói đề minh họa năm nay “nhẹ” hơn rất nhiều. Ví dụ như Phần các đoạn văn hiểu trong cấu trúc đề minh họa cũng giảm số câu, độ khó (nhiều HS thường sợ phần các câu hỏi Reading). Theo tôi nghĩ, với đề minh họa này, các HS sẽ không quá áp lực với môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Cô HUỲNH THANH LOAN, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) Đề tổ hợp khoa học xã hội: 80% kiến thức cơ bản Đề thi được phân cấp ở mức dễ, trung bình và nâng cao mang tính phân loại HS. Những câu cuối trong đề ở các môn sử, địa, giáo dục công dân có những câu hỏi yêu cầu ở mức vận dụng cấp cao. Giáo viên cũng cần phải đổi mới phương pháp dạy, phải khai thác triệt để trong nội dung chương trình dạy để đảm bảo truyền đạt cho HS ít nhất là 80% kiến thức cơ bản. Sắp tới nhà trường sẽ phải họp, thảo luận để đưa ra phương pháp giảng dạy cho thật phù hợp với tình hình thực tế, xây dụng bộ đề thi chung cho toàn trường để làm sao cho HS có thể học tập, ôn luyện cho tốt, đạt kết quả cao trong kỳ thi 2017 tới đây. Cô PHẠM THỊ HẢI YẾN, Tổ trưởng tổ sử, địa, giáo dục công dân của Trường THPT Bình Sơn (Vĩnh Phúc) Đề toán: Còn cồng kềnh Đề thi mẫu môn toán được phân bổ vào tất cả các chương, tỉ lệ phù hợp. Các câu hỏi được phân chia theo dạng: nhớ, hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đề thi, có những câu hỏi nhấn, vận dụng cao có tính phân loại học sinh. Các cách diễn giải đối với các câu hỏi đều rất rõ ràng, ngôn ngữ chính xác. Tuy nhiên, một số câu hỏi trong đề thi đưa ra có hình vẽ còn tương đối cồng kềnh, và nên giải thích thêm ở một vài chỗ để cho HS rõ ý. TS PHẠM VĂN THẠO, giảng viên trường THPT chuyên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội) Đề địa lý: hạn chế do trắc nghiệm Nhìn chung kiến thức bao quát lớp 12. Tuy nhiên với đề thi trắc nghiệm nên có hai hạn chế rất dễ thấy, thứ nhất thí sinh chỉ nhận biết biểu đồ, thay vì thực hành kỹ năng vẽ biểu đồ nếu là tự luận, trong khi phần thực hành vẽ biểu đồ được đánh giá phần phân hóa để xét ĐH, CĐ. Thứ hai, do làm trắc nghiệm nên thí sinh không thể hiện được các vấn đề xã hội “nóng” như về biển đảo, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thực phẩm… ThS NGUYỄN ĐÌNH TÌNH, giáo viên môn địa lý Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) |