Để TP Thủ Đức là thủ phủ của nền kinh tế sáng tạo

Với định hướng xây dựng thành khu đô thị (KĐT) sáng tạo, có tính tương tác cao, TP Thủ Đức được kỳ vọng và sẽ là nền kinh tế dẫn dắt TP.HCM và cả khu vực phía Nam.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Kim Tước (ảnh), Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (Saigon Innovation Hub, thuộc Sở KH&CN TP.HCM), liên quan đến nội dung này.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM.

Giải quyết cả bài toán kinh tế và xã hội

. Phóng viên: Việc thành lập TP Thủ Đức thành KĐT sáng tạo có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế sáng tạo, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Kim Tước: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thế giới đã hình thành những KĐT sáng tạo hoạt động rất hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng rất lớn như ở Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc… Xu thế này đang được nhiều quốc gia tiếp cận để tham gia vào chuỗi kinh tế sáng tạo, thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư và sử dụng công nghệ của mình.

Nền kinh tế nào cũng cần hạ tầng phục vụ cho nền kinh tế đó. Chẳng hạn, kinh tế nông nghiệp thì cần phải có sân phơi, nhà máy xay xát. Nền kinh tế công nghiệp thì phải có các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy chế biến, gia công, các xưởng sản xuất. Nền kinh tế công nghệ thông tin thì cần phải có các khu phần mềm…

Tương tự như thế, nền kinh tế sáng tạo thì hạ tầng phục vụ nó chính là đô thị sáng tạo. TP Thủ Đức, KĐT sáng tạo phía đông TP.HCM, ra đời là yếu tố rất quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo. Nhìn vào đô thị sáng tạo này, chúng ta cũng hiểu ngay thành phần sinh sống và làm việc trong đó là ai. Việc xây dựng KĐT sáng tạo ở TP Thủ Đức cũng chính là cách điều tiết dân cư một cách rất tự nhiên. Tuy ít người nhưng có thể tạo ra giá trị lớn, TP vừa giải quyết được bài toán kinh tế, vừa giải quyết được bài toán xã hội.

Ba cấu thành làm nên nền kinh tế sáng tạo

. Tại TP Thủ Đức, mô hình nền kinh tế sáng tạo sẽ được vận hành như thế nào?

+ Yêu cầu bắt buộc của nền kinh tế sáng tạo là có ba khu vực sau:

Thứ nhất là các trường đại học và viện nghiên cứu: Là nơi tập hợp các nhà khoa học để tạo ra công nghệ, sáng tạo ra công thức, sáng tạo ra quy trình, giải pháp. Nhà nước phải tạo ra được không gian, điều kiện để thúc đẩy các nhà khoa học tạo ra hàng hóa là các ý tưởng sáng tạo.

TP Thủ Đức hiện nay có đủ tiềm năng để hình thành KĐT sáng tạo và phát triển nền kinh tế sáng tạo. TP.HCM có lượng trí thức bằng 1/4 của cả nước. Mỗi năm TP có hơn 120.000 kỹ sư mới ra trường, trong đó lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin là rất lớn. Đây chính là sự thèm muốn của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã có một thế hệ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học theo hướng công nghệ, khác với xu hướng trước đây là đi theo hướng hàn lâm. Lực lượng này cũng đã được hấp thụ văn hóa của nước ngoài về sự tôn trọng pháp luật, sở hữu trí tuệ, định hướng nghiên cứu. Dù còn một số khó khăn nhưng về tiềm năng nghiên cứu là rất dồi dào, vấn đề nằm ở chỗ là bài toán thị trường. Làm sao để giải quyết được bài toán giữa “ông” nghiên cứu và “ông” thị trường. Đây là câu chuyện không dễ vì nó liên quan đến cả một hệ sinh thái. Và đó cũng là lý do cần cái đô thị sáng tạo Thủ Đức ra đời.

Khu vực thứ hai là hệ thống các vườn ươm với hạ tầng ươm tạo và phát triển các sản phẩm mẫu. Tại đây, một công thức sau khi nghiên cứu ra có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm. Mỗi nhà đầu tư, mỗi doanh nghiệp có thể mua công thức đó để phát triển ra thành các sản phẩm để bán ra thị trường.

Gần đây, TP.HCM đã có rất nhiều hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đã vượt qua thời kỳ chập chững ban đầu. Các công ty khởi nghiệp hoàn toàn không tệ nhưng chưa chuẩn. Một vấn đề quan trọng là giữa khu vực vườn ươm và khu vực trường, viện chưa có tính liên kết, chưa đi chung một con đường về phát triển thị trường chung. Tuy nhiên, qua nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh doanh trong lĩnh vực này, tôi có niềm tin vào khu vực này. Thực tế đã có một bộ phận không nhỏ các nhà khoa học đã tạo ra những kết quả nghiên cứu có giá trị.

. Khu vực thứ ba còn lại là gì, thưa ông?

+ Khu vực thứ ba là các nhà máy sản xuất sản phẩm thị trường. Đặc thù của “cuộc chơi” này là khi các tập đoàn nhận thấy giá trị của các ý tưởng nghiên cứu, ngay khi đang ở giai đoạn sản phẩm mẫu thì giới tài chính đã tập trung vào đây rồi. Thậm chí, nhiều tập đoàn còn đặt hàng để các trường, viện nghiên cứu theo đầu bài của họ.

Mỗi phân khu hình thành nên một hệ sinh thái với sự tham gia của các tổ chức tài chính, công nghiệp phụ trợ, các tổ chức trung gian khác… Đặc biệt là sự tham gia của các thể chế tài chính. Họ sẽ tham gia đầu tư, ươm tạo, mua bán công nghệ…

Đứng ở góc độ khác thì chính sản phẩm sáng tạo cũng giúp cho 500 doanh nghiệp của TP hoạt động hiệu quả hơn. Đó chính là tác động liên hoàn của kinh tế sáng tạo.

Nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phải đột phá để không bỏ lỡ cơ hội

. TP Thủ Đức vừa được thành lập, nền kinh tế sáng tạo cũng đang rất mới mẻ. Sẽ có rất nhiều điều cần phải tính toán, thưa ông?

+ Đúng thế. Việc TP Thủ Đức ra đời với những tiềm năng có sẵn là hàng chục trường đại học và viện nghiên cứu ở Thủ Đức, Khu công nghệ cao ở quận 9 và trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm là một giải pháp cho nền kinh tế sáng tạo của TP.HCM.

Vấn đề là hiện nay năng lực sáng tạo của chúng ta tới đâu? Lực lượng này có thể tạo ra hàng hóa không? Họ có khả năng sáng tạo ra công nghệ nguồn hay chỉ là công nghệ giản đơn? Làm sao để có thể kéo được các tập đoàn lớn tham gia vào đầu tư và tin tưởng các sản phẩm sáng tạo của ta? Đây là những bài toán khó. Chúng ta không giản đơn là chỉ có mấy trường đại học mà phải tạo ra một hệ sinh thái. Phải làm sao thay đổi tư duy và có cơ chế cho các trường đại học từ chỗ chỉ thuần nghiên cứu và giảng dạy thì hướng đến tìm doanh thu từ bán sản phẩm sáng tạo.

Theo thống kê, năm 2018 thế giới có khoảng 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ đôla thì ở Việt Nam có bảy công ty tư nhân có doanh thu trên 1 tỉ đôla. Điều đáng nói là doanh thu đó chỉ bằng doanh thu của một trường đại học ở Seoul, Hàn Quốc. Chỉ riêng một trường đại học có thể đạt doanh thu “khủng” như thế là điều rất đáng suy nghĩ.

Tại TP.HCM thời gian qua, có nhiều công ty, nhiều tập đoàn lớn bắt đầu tham gia vào kinh tế sáng tạo ở Việt Nam với tầm nhìn dài hạn. Họ tham gia với tư cách là họ hiểu được Việt Nam, họ thấy tiềm năng và triết lý của họ là tham gia và tập chơi từ đầu.

Bởi vậy, thành lập TP Thủ Đức với định hướng là KĐT sáng tạo, tương tác cao là rất đúng đắn, kịp thời nhưng cần phải đột phá để không bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, cũng không thể nóng vội, duy ý chí. Vì TP cũng phải mất năm năm đầu để có thể học hỏi và tham gia vào chuỗi chung toàn cầu. Sau đó có lộ trình phát triển và thay thế dần họ như thế nào, rồi làm chủ ra sao…

. Xin cám ơn ông.

Kinh tế sáng tạo là xu thế của thế giới

. Cụm từ “kinh tế sáng tạo” đang được nhắc đến rất nhiều, gắn với sự ra đời của TP Thủ Đức. Nên hiểu cụm từ này như thế nào, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Kim Tước: Đặc thù của mỗi nền kinh tế thường được xác định qua sản phẩm hàng hóa và thị trường của nó. Hàng hóa của nền kinh tế sáng tạo chính là sản phẩm của các ý tưởng sáng tạo. Nếu như trước đây người ta chỉ sản xuất ra nước giải khát thì hàng hóa của kinh tế sáng tạo chính là công thức tạo ra nước giải khát. Mỗi công thức có thể tạo ra hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm và giá trị thu về cũng lớn hơn rất nhiều.

Kinh tế sáng tạo sử dụng rất ít tài nguyên nhưng mang lại giá trị rất cao. Lâu nay chúng ta đang tốn hàng trăm hecta đất để làm khu công nghiệp, hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư nhà máy và hàng ngàn lao động để gia công điện thoại di động thì mỗi chiếc điện thoại như thế thu về chỉ được 5 đôla. Trong khi đó, Singapore mang điện thoại đi bán thì được 60 đôla và hãng Apple nghĩ ra ý tưởng sản xuất điện thoại thì có thể hưởng về giá trị 400 đôla.

Do vậy, nếu chúng ta càng hướng đến kinh tế gia công thì vừa tốn tài nguyên vừa tốn nguồn lực và giá trị gia tăng lại thấp. Đó là chưa kể đến việc TP phải chịu rất nhiều áp lực về hạ tầng, dân số và giải quyết các vấn đề xã hội khi cần phải có chỗ cho hàng ngàn lao động phục vụ cho việc gia công hoặc chế biến.

TP Thủ Đức và kỷ nguyên kinh tế sáng tạo
TP Thủ Đức và kỷ nguyên kinh tế sáng tạo
(PLO)- Đây được xem là sự đột phá về thể chế, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong 25 năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.