Cao tốc Bắc - Nam nối liền một dải, năm nay nhiều người dân đã chọn sử dụng xe cá nhân để về quê đón Tết. Vì vậy, ngay từ ngày 23-1 (tức từ ngày 24 tháng Chạp), các cửa ngõ TP.HCM đã bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp, thậm chí xảy ra tình trạng ùn ứ ở nhiều tuyến đường.
Sở GTVT TP.HCM, Công an TP.HCM cùng các đơn vị vận tải đồng loạt lên kế hoạch, sẵn sàng phục vụ để người dân có một lộ trình về quê đón Tết thông thoáng, an toàn.
Hướng dẫn người dân chọn tuyến đường phù hợp
Sáng 23-1, một lượng lớn người dân từ TP.HCM lên đường về quê đón Tết nên lượng xe qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng cao đột biến, gây kẹt xe từ sáng sớm. Đáng chú ý, đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hướng về các tỉnh miền Trung, miền Bắc kẹt xe kéo dài. Trên mạng xã hội, nhiều người than phiền vì phải chôn chân rất lâu trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mà chưa có lối thoát.
Tương tự, cửa ngõ phía đông TP.HCM cũng đông đúc cả ngày, đoạn từ nút giao thông An Phú đến trạm thu phí Long Phước hàng dài xe nối đuôi nhau di chuyển chậm. Cục CSGT, Bộ Công an và Công an TP.HCM đã nhanh chóng tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn xe di chuyển qua các đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Quốc lộ (QL) 1 và khu vực phà Cát Lái, hạn chế vào cao tốc.
Theo đại diện Công an TP Thủ Đức, lực lượng công an sẽ phối hợp với kênh phát thanh VOV Giao thông để hướng dẫn lộ trình cho người dân, giúp các bác tài nắm rõ tình hình để chọn hành trình ngay từ đầu. Thông thường nếu cao tốc quá đông, Cục CSGT sẽ phối hợp, điều phối xe qua phà Cát Lái, QL1 để giải tỏa khách nhanh nhất, tránh xảy ra ùn ứ.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị quản lý phà Cát Lái) cho biết năm nay người dân có xu hướng về quê đón Tết sớm, ước tính mỗi ngày phà sẽ đưa khoảng 40.000 lượt khách. Riêng trong ngày 24 tháng Chạp, khi cao tốc đóng, lượng xe đổ qua phà Cát Lái đông hơn, đơn vị quản lý đã huy động tối đa nhân sự và phà để phục vụ.
“Lượng khách đông nhất sẽ rơi vào các ngày 26, 27, 28 tháng Chạp với khoảng 60.000 lượt khách. Hiện Cát Lái còn năm phà chạy tối đa công suất để giải tỏa số lượng khách trên. Phà Cát Lái sẽ huy động tối đa nhân sự, bán vé từ xa để giảm ùn ứ, giải tỏa hai đầu phà một cách nhanh nhất” - đơn vị quản lý phà Cát Lái thông tin.
Đặc biệt hơn, năm nay Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM, Sở GTVT TP đã kết hợp với các đài phát thanh VOV, VOH để tư vấn lộ trình phù hợp cho người dân. Cán bộ trung tâm sẽ tương tác trực tiếp với tài xế, người điều khiển giao thông thông qua radio để sát sao tình hình.
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM, cho biết năm nay trung tâm có sự đầu tư lớn cả về phần mềm và phần cứng để có thể hỗ trợ người dân thông qua hệ thống phát thanh và trả lời qua đường dây nóng. Người dân có thể liên hệ qua đường dây nóng để thông tin chi tiết về tình hình giao thông và hỏi về lộ trình phù hợp thay thế các tuyến đường kẹt xe.
Tài xế và người dân cũng có thể phản ánh, đặt câu hỏi trực tiếp để được hỗ trợ nhanh chóng, điều này giúp người dân chủ động trong việc đi lại, chọn hành trình phù hợp, tránh kẹt xe. Ngoài ra, người dân có thể lên hệ thống camera giao thông qua ứng dụng TTGT TP Hồ Chí Minh để xem hình ảnh giao thông, lượng xe phù hợp để tính toán tuyến đường hợp lý nhất cho mình.
Sở GTVT TP.HCM, Công an TP.HCM cùng các đơn vị vận tải đồng loạt lên kế hoạch, sẵn sàng phục vụ để người dân có một lộ trình về quê đón Tết thông thoáng, an toàn.
Bến xe tăng nguồn lực, sẵn sàng phục vụ
Nhiều ngày nay, Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới, TP Thủ Đức trở nên hút khách hơn nhờ tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Nhiều khách đã chọn đi metro số 1 đến bến xe một cách nhanh chóng. Khách có thể đến BXMĐ mới bằng tuyến metro số 1, xe trung chuyển hoặc xe buýt… nên bến xe trở nên gần và thuận tiện hơn rất nhiều. Cũng vì lẽ đó, năm nay BXMĐ mới nhộn nhịp, tươi vui hơn hẳn.
Trong ngày 23-1, hàng trăm người dân tất bật kéo hành lý từ cửa ga metro vào BXMĐ mới để về quê đón Tết. Trong bến xe cũng tập trung đông người ngồi kín các dãy ghế chờ. Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc BXMĐ mới, cho biết bến xe đã lên kế hoạch phục vụ người dân đi lại tốt nhất. Ước tính bến xe sẽ đón hơn 138.000 lượt khách, tăng hơn 4.000 lượt khách so với những năm trước. Đặc biệt, năm nay người dân về quê đón Tết sớm hơn mọi năm khá đông.
Dự kiến từ hôm nay, lượng người dân về quê đón Tết bắt đầu tăng mạnh với khoảng 13.000 lượt người qua bến/ngày, cao điểm vào các ngày 25, 26, 27-1 (tức các ngày 26, 27, 28 tháng Chạp). Vì vậy, bên cạnh tăng cường xe phục vụ, bến còn bố trí lực lượng túc trực để sẵn sàng hỗ trợ khách đẩy hành lý, tìm xe… nhanh chóng.
“Bến sẽ huy động tối đa nhân lực, xe để đưa bà con về quê đón Tết sớm, an toàn, đúng kế hoạch” - ông Hải thông tin.
Tương tự, ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc BXMĐ, quận Bình Thạnh, cho biết năm nay lượng khách đổ về bến xe đông đúc rất sớm. “Ước tính các ngày 24, 25, 26-1 (tức các ngày 25, 26 và 27 tháng Chạp), lượng khách thông qua bến xe sẽ tăng cao hơn rất nhiều với khoảng 18.000 lượt/ngày. Bến xe đã lên mọi phương án để phục vụ khách đi lại tốt nhất, về quê đón Tết an toàn. Hiện bến xe đã xin cấp phù hiệu cho 198 xe tăng cường cho 65/94 đơn vị. Các doanh nghiệp cam kết đủ nguồn lực đáp ứng 100% nhu cầu của khách. Người dân lưu ý nên mua vé ở nơi uy tín, chất lượng, kê khai giá vé công khai, tránh tình trạng “cò vé”, nhà xe kém chất lượng. Hiện đã có 65/84 đơn vị kê khai giá cước đúng theo quy định” - ông Đạt nói.
Trong khi đó, Bến xe Miền Tây chưa bước vào giai đoạn cao điểm do các tuyến về miền Tây là tuyến gần. Dự kiến khách sẽ đông đúc vào các ngày 25, 26, 27-1 (tức từ ngày 26, 27, 28 tháng Chạp) với 62.550 lượt khách, tương ứng 2.085 số chuyến xe. Hiện bến xe đã bán hơn 187.000 lượt vé, còn cung ứng được khoảng 252.000 lượt từ nay đến ngày 28-1. Như vậy, bến xe còn rất nhiều vé và sẵn sàng xe để phục vụ người dân về quê. Bến xe Miền Tây cùng các nhà xe đã chuẩn bị phương án tăng cường xe. Bên trong bến, bảo vệ túc trực điều tiết các xe nên tình hình khá ổn định.
Sân bay, ga tàu áp dụng công nghệ đẩy nhanh quy trình
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã lên các kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại cao vào dịp Tết. Cảng đã tối ưu hóa các quy trình khai thác, điều chỉnh khai thác theo hướng linh hoạt và tập trung vào đột phá, giúp cải thiện năng lực phục vụ thông qua giải pháp chuyển đổi số. Cảng đã phối hợp với Công ty Quản lý bay miền Nam tổ chức thiết kế các tuyến lăn tiêu chuẩn trong sân đậu máy bay, giúp giảm tải cho việc điều hành của kiểm soát viên không lưu và giúp phi công định hướng nhanh vị trí đậu, kịp thời thoát ly việc chiếm giữ đường lăn, giúp cho các máy bay khác khai thác.
Do chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, đồng bộ với điều hành hoạt động bay nên sân bay Tân Sơn Nhất đã giúp các hãng hàng không bổ sung tải cung ứng lên 18% so với dự kiến. Từ ngày 23-1, TP.HCM đã bố trí xe buýt trung chuyển miễn phí để giải tỏa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất ra phía ngoài đường Hồng Hà, Bạch Đằng, tránh để khách chờ đợi lâu. Như vậy, với sự chuẩn bị từ lộ trình di chuyển, phương án xe trung chuyển, xe tăng cường, các đơn vị đã sẵn sàng nguồn lực để đưa người dân về quê đón Tết an toàn, yên vui.
Tương tự, đại diện Ga Sài Gòn cho biết các ngày cao điểm từ 24, 25, 26-1 (tức từ ngày 25 đến 27 tháng Chạp) có 17 chuyến tàu xuất phát từ TP.HCM. Mỗi ngày ngành đường sắt sẽ phục vụ 8.000 khách về quê đón Tết. Năm nay, lượng khách có sự dàn trải, nhiều người về quê sớm từ trước ngày 20-1 nên lượng khách không tập trung quá đông vào những ngày cuối năm như các năm trước.
Tuy nhiên, những ngày qua tại Ga Sài Gòn và Ga Dĩ An vẫn có một số khách bị trễ tàu. Đối với những khách này, ngành đường sắt sẽ phục vụ ghế phụ nếu khách có nhu cầu đi chuyến tàu kế tiếp. Trường hợp những chuyến tàu còn ghế trống, nếu khách đồng ý và phù hợp với nhu cầu thì ngành đường sắt sẽ phục vụ, báo giá vé. Khách đồng ý sẽ được lên tàu với vé mới.•
Nhiều lộ trình để chọn
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng PC08 Công an TP.HCM, cho biết TP.HCM có đưa ra một số lộ trình lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh miền Bắc, miền Trung, người dân cần chú ý một số lộ trình cho phù hợp. Cụ thể như miền Trung có hai lộ trình, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có ba lộ trình, các tỉnh miền Tây Nam Bộ có năm lộ trình.
Ngoài ra, người dân có thể chọn các tuyến như đi tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành để đi lại trong dịp Tết Nguyên đán này.
Từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc:
Lộ trình 1 (dành cho các loại xe): BXMĐ mới - QL1 - cầu Đồng Nai - ngã ba Vũng Tàu - QL51 - đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh TP Biên Hòa) - QL1 (ngã ba Dầu Giây) - các tỉnh phía Bắc. Hoặc BXMĐ mới - QL1 - cầu Đồng Nai - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - QL1 (ngã ba Dầu Giây) - các tỉnh phía Bắc.
Lộ trình 2 (dành cho các loại ô tô): BXMĐ mới - QL1 - cầu Đồng Nai - ngã ba Vũng Tàu - QL51 - đường cao tốc Long Thành - Phan Thiết - các tỉnh phía Bắc.
Từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên:
Lộ trình 1 (dành cho các loại xe): BXMĐ - QL13 - QL14 (hoặc ĐT 741).
Lộ trình 2 (dành cho các loại xe): Trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - QL1, TP Thủ Đức (đường Lê Khả Phiêu) - QL1 - cầu Đồng Nai - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - QL1 (ngã ba Dầu Giây) - QL20. Hoặc BXMĐ mới - QL1 - cầu Đồng Nai - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - QL1 (ngã ba Dầu Giây) - QL20.
Lộ trình 3 (dành cho các loại ô tô): Trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - đường Đinh Bộ Lĩnh - đường Bạch Đằng - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - đường Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - đường Võ Nguyên Giáp - đường Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc - đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - QL1 (ngã ba Dầu Giây) - QL20.
Từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây:
Lộ trình 1 (dành cho các loại ô tô): Bến xe Miền Tây - đường Kinh Dương Vương - QL1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) - đường dẫn cao tốc - đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - QL1 - các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 2 (dành cho các loại xe): Bến xe Miền Tây - đường Kinh Dương Vương - QL1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) - các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 3 (dành cho các loại xe): Bến xe Miền Tây - đường Kinh Dương Vương - QL1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) - đường Nguyễn Văn Linh - QL50, huyện Bình Chánh (đường Văn Tiến Dũng) - các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 4 (dành cho các loại xe): Đường Trường Chinh - QL22, huyện Hóc Môn (đường Lê Quang Đạo) - QL22, huyện Củ Chi (đường Phan Văn Khải) - Tỉnh lộ 8 - tuyến N2 - các tỉnh miền Tây. Hoặc trục đường Trường Chinh - QL22, huyện Hóc Môn (đường Lê Quang Đạo) - đường Nguyễn Văn Bứa - ĐT 824 (tỉnh Long An) - tuyến N2 - các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 5 (dành cho các loại ô tô): QL1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) - đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.