Đề xuất bán rượu theo giờ: Quản nổi không?

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Theo đó, Bộ đưa ra ba phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia.

Người bán, người mua đều lắc đầu

Anh Trần Thanh Lâm, chủ quán ăn trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ: “Biết rằng uống rượu bia nhiều là không tốt cho sức khỏe nhưng việc này nên đẩy mạnh tuyên truyền để người dùng tự tiết chế bản thân. Cấm theo giờ rất nửa vời, không hiệu quả và gây phiền cho cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng”. Đồng tình, chị Dịu Hương, chủ một đại lý bia trên đường Tô Ngọc Vân, quận 12, nói: “Rượu bia không phải là mặt hàng cấm sử dụng nên cấm theo giờ sẽ không có tác dụng gì. Cấm giờ này thì họ mua giờ khác rồi dự trữ để uống thì đâu có hạn chế được gì. Cách tốt nhất là đánh vào túi tiền, việc uống một chai bia giá 18.000 và 100.000 đồng sẽ rất khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Cảnh, phường Thạnh Lộc, quận 2 thì cho rằng việc kiểm soát thực hiện lệnh cấm là bất khả thi. “Cứ 10 quán ăn thì có đến tám quán có phục vụ rượu bia. Ngành chức năng sẽ kiểm soát thế nào? Nếu luật đưa ra mà không có khả năng thực hiện được thì nên nghĩ cách khác có ích hơn” - anh góp ý.

Cấm bán rượu bia theo giờ không có tác dụng ngăn ngừa tác hại của rượu và cũng khó kéo giảm số lượng rượu bia được tiêu thụ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Siết giờ bán kết hợp quản lý việc sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết cũng như dự thảo lần một, dự thảo lần hai này cũng nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, chủ yếu người dân cho rằng những phương án này không thiết thực, khó lòng thực hiện.

“Chính vì còn tranh cãi nên Bộ mới cần lấy ý kiến. Phương án nào nhận được nhiều sự đồng thuận nhất, Bộ sẽ tiếp thu và chỉnh sửa” - ông Quang nói.

Nói cụ thể hơn, trong phương án một, ông Quang cho rằng rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ năm trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông. Quan trọng hơn, theo nghiên cứu cho thấy việc uống rượu bia sau 22 giờ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, dễ dẫn đến biến chứng xấu. Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ ở phương án một và hai bắt nguồn từ lý do đó.

Thống kê cho thấy Việt Nam là quốc gia tiêu thụ rượu bia đứng đầu Đông Nam Á. Rượu bia gây nhiều hệ lụy xấu cho cả xã hội nên việc đưa ra một luật định để hạn chế sử dụng là cần thiết. Ở nước ta rượu bia bán tràn lan ở mọi loại cửa hàng. Quản lý nguồn gốc rượu bia đã khó, liệu có đủ khả năng  quản lý  khung giờ như dự thảo nêu?

Theo tôi, cách hiệu quả hơn là nâng mức thuế đánh vào rượu bia, đồng thời đưa ra mức xử phạt thật nặng đối với hành vi bán rượu bia cho người chưa thành niên, nâng cao việc tuyên truyền, giáo dục về tác hại của rượu bia đến người dân, đặc biệt là nguy cơ tai nạn giao thông.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM,Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Dự thảo này khó thực hiện vì ai sẽ là người giám sát việc mua bán sai giờ và xử phạt nếu vi phạm? Để xây dựng đội ngũ này cần bao nhiêu nhân sự và chi phí nuôi bộ máy? Bán trong giờ cũng không làm giảm việc sử dụng rượu bia. Đánh thuế rượu bia cao vẫn là cách đơn giản, hiệu quả nhất mà nhiều nước đã áp dụng. Nhà nước vừa thu được thuế lại vừa hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia trong dân chúng. Tuy nhiên, biện pháp này lại không có tác dụng với hoạt động sản xuất thủ công như nấu rượu tại nhà.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Còn về vấn đề quản lý, giám sát, ông Quang cho rằng: “Đã ban hành sẽ có những biện pháp cụ thể. Ví dụ có những đoàn giám sát, kiểm tra, xử lý được lập nên, như thế sẽ hạn chế được rất nhiều”.

Song song ba phương án bán rượu bia theo khung giờ, Bộ Y tế cũng đề xuất việc quản lý sản xuất rượu thủ công, dự thảo luật siết chặt hoạt động kinh doanh này nhằm hạn chế tối đa hậu quả gây ra (nếu có) của việc sản xuất rượu thủ công.

“Thực tế hiện nay cho thấy số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động, chỉ khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ. Quản lý được điểm bán cũng một phần quản lý được tình trạng bán rượu tự do, tràn lan hiện nay” - ông Quang nhận định.

Ba phương án điều chỉnh khung giờ bán rượu bia của Bộ Y tế

• Phương án một: Chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian 11-14 giờ và 17-22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

• Phương án hai: Chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian 6-22 giờ.

• Phương án ba: Thời gian không được bán rượu bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại rượu bia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm