Ngày 14-7, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu- cơ hội và thách thức” tại TP Cần Thơ.
Vụ trưởng Vũ Quang Các phát biểu tại hội thảo ngày 14-7. Ảnh: CT
Theo ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT), hiện toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có đến 2.538 bản quy hoạch. Trong đó, bao gồm các quy hoạch cấp vùng về kinh tế và các ngành như thủy lợi, cá tra, tôm, lúa, du lịch, giao thông… và gần 2.500 quy hoạch của từng địa phương.
Ông Các cho rằng, việc có quá nhiều quy hoạch dẫn đến các vấn đề như thiếu tính gắn kết, đồng bộ, thậm chí còn có sự sai lệch. Nhiều quy hoạch phát triển kinh tế xã hội còn nặng về xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu mà quên đi việc tổ chức không gian phát triển. Trong khi quy hoạch chung của vùng lại nặng về tổ chức không gian và thiếu định hướng phát triển.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ông Các cho biết sắp tới, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ xây dựng một bản quy hoạch mang tính tích hợp cho toàn vùng ĐBSCL (giai đoạn 2021-2030). Nội dung bản quy hoạch này sẽ mang tính liên ngành, liên tỉnh, liên vùng và trong bản quy hoạch chỉ đề xuất những dự án có tác động đến các vấn đề chung của vùng.
"Dù chỉ còn một bản quy hoạch nhưng bản quy hoạch này sẽ giúp giải quyết các vấn đề cho ĐBSCL một cách đồng bộ như giao thông, thủy lợi, các vấn đề về sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; các vấn đề phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại…"- ông Vũ Quang Các nói.
GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng để phát triển bền vững, quy hoạch phải tích hợp được ý kiến của người dân. Thông qua đó, người dân sẽ thấy được phần việc, quyền lợi và trách nhiệm của mình. Còn như hiện nay, quy hoạch thì cứ quy hoạch, có nhiều quy hoạch xa lạ đối với người dân nên họ thì cứ tự làm ăn, “tự bơi” để rồi năm nào cũng xảy ra điệp khúc “được mùa rớt giá”.