Ngày 27-8, Sở GTVT Đà Nẵng cho hay đã đề xuất UBND TP báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho chủ trương đưa dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia cần sớm triển khai, ưu tiên bố trí vốn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản đề nghị Hội đồng thẩm định Đồ án quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đưa dự án này vào danh mục kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2030.
Ga đường sắt Đà Nẵng hiện trạng nằm trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: TẤN VIỆT
Dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị là một trong những dự án quan trọng của Đà Nẵng. Nhưng do nguồn vốn ngân sách Trung ương hạn chế, đến nay dự án này vẫn chưa thể triển khai.
Theo Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương án tuyến đường sắt (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia đi chung) chạy song song bên cạnh về phía Đông tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Ga hành khách Đà Nẵng mới bố trí tại nút giao đường Hoàng Văn Thái - đường tránh Nam hầm Hải Vân, cách trục đường Bà Nà - Suối Mơ khoảng 2 km về phía Bắc.
Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, ga hành khách và Depot có diện tích khoảng 90 ha gắn với việc hình thành hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ, là động lực phát triển khu vực phía Tây TP.
Hiện nay đã tham mưu UBND TP bố trí kinh phí lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án làm cơ sở xin chủ trương đầu tư hoặc kêu gọi nhà tài trợ đầu tư thực hiện dự án. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến hoàn thành báo cáo này trong quý IV-2022.
Ga đường sắt Đà Nẵng hiện trạng nằm trên địa bàn quận Thanh Khê. Diện tích đất của ga và các công trình liên quan là 24 ha, chiếm 2,6% diện tích đất toàn quận. Trong khi đó đường đô thị trên địa bàn quận Thanh Khê chỉ chiếm 71 km/1.039 km, tỉ lệ 6,8% so với toàn TP. Đồ án Quy hoạch chung Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ ga đường sắt và tuyến đường sắt mới dự kiến di dời về phía Tây TP. Đồng thời tái phát triển khu vực ga đường sắt cũ và hành lang đường sắt cũ thành khu vực sử dụng hỗn hợp và công trình công cộng, nguồn vốn cần có khoảng hơn 11.000 tỉ đồng. |