“Sân Hàng Đẫy là nơi mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của người Hà Nội. Hiện sân vận động (SVĐ) xuống cấp, gây khó khăn cho việc thi đấu cũng như việc thưởng thức của người dân. Với mục tiêu xây dựng một tổ hợp thể thao, SVĐ hiện đại phục vụ cho cộng đồng, Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã giao cho Tập đoàn T&T tự tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và sẽ thu hồi vốn đầu tư với hình thức tự quản lý, kinh doanh khai thác”. trao đổi với Pháp Luật TP.HCMngày 9-10, đại diện Tập đoàn T&T cho biết như trên.
6.309 tỉ đồng xây dựng dự án
Về vấn đề trên, vào đầu tháng 10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng dự án tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy.
Theo báo cáo của chủ tịch Hà Nội, tổng vốn đầu tư dự kiến để thực hiện dự án này là 6.309 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp được đề nghị giao khu đất này là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T.
Cũng theo văn bản báo cáo, chủ trương giao doanh nghiệp quản lý, đầu tư khai thác, vận hành SVĐ Hàng Đẫy có từ tháng 1-2017. Đến tháng 5-2017, đích thân bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với T&T về phương án thiết kế SVĐ Hàng Đẫy. Và đến ngày 23-7-2018, UBND TP đã chính thức trình Thường trực Thành ủy về việc T&T đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao, SVĐ Hàng Đẫy theo hình thức xã hội hóa. T&T sẽ tự thu xếp 100% vốn đầu tư trong thời gian thực hiện dự án, đổi lại đơn vị này được khai thác, vận hành công trình này trong thời gian 50 năm.
Dự kiến nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thì đến tháng 10-2021, dự án sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhằm kịp thời phục vụ SEA Games 31.
Sân vận động Hàng Đẫy sắp tới có thể được giao cho Tập đoàn T&T để nâng cấp, mở rộng. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Xin cơ chế đặc biệt
Với diện tích 3,2 ha, tọa lạc ở trung tâm TP Hà Nội, có nhiều trục đường chính vây quanh như phố Trịnh Hoài Đức, phố Cát Linh,… đây được xem là khu đất vàng sở hữu vị trí vô cùng đắc địa.
Theo đề xuất của TP Hà Nội, dự án sẽ xây dựng ba hạng mục gồm: Khu 1 là SVĐ kết hợp thương mại dịch vụ (trên nền SVĐ Hàng Đẫy hiện tại) với quy mô hai vạn chỗ ngồi; khu 2 là khu nhà thi đấu đa năng kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng (trên nền đất Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức) với quy mô 1.500 chỗ ngồi; khu 3 là khu văn phòng kết hợp quảng trường (xây trên đất của Sở KH&ĐT hiện nay). |
Báo cáo của chủ tịch Hà Nội cho hay hơn 3,2 ha đất trên (gồm SVĐ Hàng Đẫy, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, trụ sở Sở KH&ĐT…) hiện đều là đất công, được giao cho một một số cơ quan, đơn vị của Nhà nước sử dụng, quản lý. Nếu thực hiện dự án tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy thì sẽ phải sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định.
Văn bản nêu rõ: Trong bối cảnh Hà Nội được chọn là nơi tổ chức SEA Games 31 vào tháng 10-2021, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, phải hoàn thành công trình trong khoảng 36 tháng với tiến độ gấp gáp. Dự án thuộc lĩnh vực thể dục thể thao là lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa, có thời gian thu hồi vốn chậm, kéo dài. “Với các lý do nêu trên, dự án là trường hợp đặc thù, đặc biệt, cần triển khai nhanh nên phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất này được thực hiện theo hình thức khác” - văn bản nêu.
Vì vậy, Hà Nội đề nghị giao hơn 3,2 ha đất này cho Tập đoàn T&T theo phương thức đặc thù, đặc biệt - tức hình thức khác theo quy định tại Điều 7 Nghị định 167/2017.
Đồng thời, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Cần tính toán lại giao thông Việc xây dựng, cải tạo SVĐ Hàng Đẫy là việc làm hợp lý vì nơi này đã xuống cấp trầm trọng. Về bài toán giao thông, đây không phải dự án khu đô thị nên dân số sẽ không gia tăng, mặt khác quanh khu vực này cũng không có trung tâm thương mại lớn nào. Tuy nhiên, về việc tổ chức giao thông thì phải xem kỹ lại thiết kế đề xuất. Hiện ở đây thiết kế bốn tầng hầm, trong đó có hai tầng để xe, như vậy chỗ để xe là có thể đáp ứng được nhu cầu. Nhưng kết nối giao thông giữa khu thể thao, thương mại với các tuyến đường sắt đô thị, bến xe buýt Kim Mã… cần phải tính toán, bố trí hợp lý mới có thể đáp ứng được bài toán giao thông này. KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Có thể đấu thầu chọn nhà đầu tư Nếu làm chặt chẽ thì Nhà nước có thể đấu thầu để lựa chọn đầu tư thực hiện dự án. Trên cơ sở đó sẽ tính toán xem có cần thiết phải bỏ ra hơn 6.300 tỉ đồng để làm dự án hay không, rồi khai thác công trình 50 năm đã hợp lý hay chưa. Tiền doanh nghiệp bỏ ra đầu tư thì phải xem thực tế có đúng là số tiền như vậy không. Tức khai thác được bao nhiêu năm nó sẽ thể hiện lợi nhuận của doanh nghiệp thu được là bao nhiêu. Vì vậy, đấu thầu để lựa chọn một doanh nghiệp làm dự án là chuyện bình thường phải làm. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT |