Sáng 2-7, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã báo cáo về việc triển khai Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Nêu khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ, ông Dung cho biết do đối tượng đa dạng, dễ trùng lắp, một số địa phương do sợ sai nên thận trọng chậm phê duyệt, chậm triển khai, làm giảm ý nghĩa tính chất, ý nghĩa hỗ trợ.
Cạnh đó, một số địa phương khó khăn kinh phí nên phê duyệt rồi mà chưa hỗ trợ.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 là giáo viên các trường tư thục do những người này mất việc làm, ngừng việc làm nhưng chưa được hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Dung cho rằng việc điều chỉnh chỉ mở rộng thêm đối tượng này, còn kinh phí vẫn nằm trong gói 62.000 tỉ.
"Gói 16.000 tỉ do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai gặp khó khăn do chúng ta đưa ra tiêu chí quá cao", ông Dung nói thêm và đề nghị cho điều chỉnh "nới" điều kiện nhận hỗ trợ gói 16.000 tỉ cho doanh nghiệp vay trả lương.
"Xin điều chỉnh bỏ tiêu chí thứ 2 là doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay. Xin báo cáo, nếu không có nguồn thu thì phá sản, giải thể rồi thì không có khả năng xin cái này nữa", ông Dung nói.
Ông cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh cho doanh nghiệp vay tới hết tháng 12-2020, coi đây là giải pháp vừa kích cầu tiêu dùng vừa kích cầu sản xuất.
Nêu ý kiến ngay sau báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất điều chỉnh điều kiện doanh nghiệp nhận hỗ trợ gói 16.000 tỉ.
"Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo cái này. Chính phủ đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp, điều chỉnh một số tiêu chí trong gói 16.000 tỉ vay không lãi. Ngân sách vẫn ở mức độ đó (16.000 tỉ)", Thủ tướng nói.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tính đến ngày 29-6-2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 nghìn tỉ đồng.
Đến nay, đã thực hiện giải ngân hơn 11,2 nghìn tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho hơn 11 triệu người và gần 6.200 hộ kinh doanh, tập trung vào lao động tạm hoãn hợp đồng, không có giao kết hợp đồng, lao động mất việc, lao động tự do cùng các nhóm đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội, cận nghèo, người nghèo, người có công…
Theo ông Dung, cơ bản các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đã được phê duyệt hỗ trợ, nhất là đối tượng đông như người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đang thực sự phát huy tác dụng.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc triển khai hỗ trợ, ông Dung cho biết đến nay, ngoài Thanh Hóa dừng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để rà soát đối tượng này thì cả nước chỉ phát hiện 3 thôn bản có vi phạm trong việc triển khai gói hỗ trợ theo nghị quyết 42.
"Đến giờ này chưa có phản ánh thêm. Còn 3 thôn bản phát hiện và vi phạm của Thanh Hóa đã xử lý nghiêm", ông Dung nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, thông qua hỗ trợ này, quốc tế, trong nước, nhân dân ghi nhận ủng hộ, qua đó cho thấy niềm tin nhân dân vào Đảng, nhà nước, Chính phủ tăng lên.
“Đây là cái được vô giá. Theo tôi, không cái gì hơn được cả”, ông Dung khẳng định.