Ngày 8-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Hàng triệu lao động sẽ ngừng việc, mất việc
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay dự báo sẽ có 2-3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của đại dịch COVID-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới những người yếu thế khác như người cần bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỉ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc sáu nhóm khác nhau, trong khoảng thời gian tối đa là ba tháng.
Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỉ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỉ đồng); cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỉ đồng).
Cần xác định rõ người, mức được hỗ trợ
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết cơ quan này cơ bản nhất trí với chủ trương hỗ trợ người dân của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý “việc hỗ trợ trực tiếp đối với những đối tượng cụ thể đòi hỏi phải cân nhắc kỹ để bảo đảm công bằng, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đứng trước rất nhiều khó khăn như hiện nay”.
Do vậy, ủy ban đề nghị khi xác định các đối tượng hỗ trợ cụ thể, cần bám sát các nguyên tắc đề ra là “đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19”.
Đồng thời, Chính phủ cần quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do…) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện.
Về mức hỗ trợ, cần rà soát, quy định cụ thể để người dân gặp khó khăn duy trì cuộc sống tối thiểu, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các nhóm đối tượng và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân…
Quang cảnh cuộc họp bất thường của Ủy ban TVQH sáng 8-4. Ảnh: TRỌNG ĐỨC - TTXVN
Thảo luận, một số thành viên Ủy ban TVQH cho rằng phạm vi đối tượng hỗ trợ theo báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ ràng, khó xác định. Ý kiến này đề nghị cần làm rõ các tiêu chí để xác định cụ thể mức độ giảm sâu thu nhập do dịch bệnh; xác định đối tượng lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng.
Cạnh đó, cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân hay hộ gia đình để bảo đảm sự công bằng do có sự khác nhau về số nhân khẩu trong mỗi hộ…
Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đến tay dân
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất độ trễ của chính sách khi đi vào cuộc sống. Cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Ủy ban TVQH mong rằng các chính sách này ra đời sẽ tiếp nối, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội. Từ đó, tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội đối với hoạt động thiện nguyện để chia sẻ, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc. Đồng thời, phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định Ủy ban TVQH nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ các tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục.
Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách. Một số vấn đề liên quan đến việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo hay lao động tự do nên tính đến việc giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế để tự cân đối.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách tín dụng cần cân nhắc việc cho vay mà không có tài sản đảm bảo, tránh việc dẫn đến những rủi ro.
Ủy ban TVQH cũng thống nhất thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá ba tháng, nếu trong trường hợp phải kéo dài thì cần báo cáo Ủy ban TVQH.
Cần chú ý dân vùng dịch và chịu hạn, mặn Tại cuộc họp, nhiều ý kiến nêu việc xác định đối tượng được hỗ trợ cần đặt trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đồng đều đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang phải đối mặt với thiên tai như hạn mặn ở ĐBSCL, mưa đá ở vùng miền núi phía Bắc... Về nguồn lực ở các địa phương, các ý kiến tại phiên họp cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn các địa phương thực hiện rõ ràng để tránh chồng chéo, chính sách chồng chính sách, do hiện nay đã có những địa phương chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ của mình. Ngoài ra, cần đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc… |