Đề xuất kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại

Ngày 23-12, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành TN&MT TP.

Quản lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP, thời gian qua, Sở đã kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc của các quận, huyện trong công tác tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được UBND TP phân cấp cho UBND các quận, huyện thực hiện.

Đơn vị giám sát của Sở TN&MT đã tổ chức công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất chất lượng vệ sinh đô thị trên địa bàn quận, huyện, kết quả giám sát đã được ghi nhận, phản hồi đến các quận, huyện để quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm.

Công tác giám sát hoạt động của các đơn vị xử lý chất thải (XLCT) rắn sinh hoạt trong các khu liên hợp XLCT được Sở TN&MT triển khai liên tục thông qua Ban quản lý các khu liên hợp XLCT để kịp thời ghi nhận và giải quyết các sự cố, vấn đề phát sinh.

Việc chuyển đổi phương tiện thu gom chất thải rắn chưa hoàn chỉnh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT, công tác quản lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi phương tiện thu gom, hạ tầng kỹ thuật cho việc thu gom chất thải rắn chưa hoàn chỉnh. Công tác triển khai đầu tư mới trạm trung chuyển của các quận, huyện còn chậm liên quan điều chỉnh vị trí, diện tích; vốn đầu tư và lấy ý kiến người dân trong khu vực. Công tác triển khai ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và XLCT rắn sinh hoạt chậm do cần xác định pháp lý về thẩm quyền ban hành giá.

Liên quan công tác kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chưa được triển khai do TP chưa ban hành quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chưa có nguồn vốn hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án PPP.

Đối với việc XLCT phát sinh do dịch COVID-19, Sở TN&MT đã điều động bốn đơn vị tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, XLCT y tế tại các khu cách ly tập trung và bệnh viện (BV) dã chiến. Các đơn vị xử lý đã duy trì tần suất thu gom nhiều nhất có thể để đảm bảo kịp thời thu gom chất thải y tế phát sinh tại các khu cách ly, BV dã chiến tránh tình trạng ùn ứ.

Kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện

Với những khó khăn đang gặp phải, trong năm 2022, Sở TN&MT tham mưu UBND TP công bố và triển khai quy hoạch XLCT rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp tiếp tục duy trì XLCT y tế và chất thải công nghiệp đạt 100%.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, trong năm 2022, sở sẽ xây dựng kế hoạch về quản lý rác thải y tế trong giai đoạn mới. Đồng thời theo dõi, điều phối và giám sát các đơn vị xử lý rác thải y tế nguy hại đang thực hiện tại các khu cách ly, BV dã chiến, BV điều trị COVID-19 đảm bảo thu gom và xử lý triệt để.

Sở sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tiếp tục duy trì XLCT y tế và chất thải công đạt 100%. Đề xuất kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và dự án cải tạo các bãi chôn lấp. Triển khai nhóm giải pháp XLCT rắn theo định hướng tăng cường xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.

Ngoài ra, sở cũng theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn; triển khai một số mô hình thu gom nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế trên địa bàn quận, huyện; triển khai công tác quét dọn vệ sinh, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn quận, huyện…

Thu hơn 5,5 tỉ đồng tiền phạt liên quan lĩnh vực tài nguyên môi trường

Liên quan công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT, trong năm 2021, TP.HCM đã xử phạt hành chính 113 đơn vị với tổng số tiền hơn 5,5 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực đất đai là 76 đơn vị; lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản là 37 đơn vị.

Thực hiện công tác tiếp công dân (176 lượt). Giải quyết 537 hồ sơ khiếu nại, tố cáo (đất đai là 512 hồ sơ, môi trường là 25 hồ sơ). Ban hành Kế hoạch 6370 năm 2021 kiểm tra các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có dấu hiệu không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn TP.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm