Đề xuất mua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS

Đây là ý kiến của ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS 2011-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020 sáng 11-11.

Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong giai đoạn 2011-2015, TP đã chăm sóc và điều trị cho 27.224 bệnh nhân HIV/AIDS, có 25.488 bệnh nhân đang điều trị kháng retrovirus (ARV). Tính cho tới nay tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư đạt 0,6%, tỉ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư đạt mức dưới 0,03%.

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 được Liên Hiệp Quốc đưa ra tại hội nghị AIDS, một trong những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030, ông Thuận kiến ngh nên nghiên cứu có chính sách mua BHYT và tư vấn mua BHYT cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Hiện trong tổng số hơn 30.000 bệnh nhân HIV/AIDS tại TP, chỉ có 17.451 bệnh nhân được nhận tài trợ và hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, vậy số bệnh nhân còn lại ai lo.

Cũng theo ông Thuận, nếu không có chính sách quan tâm, điều trị phù hợp thì nguy cơ bùng phát và lây lan HIV/AIDS sẽ rất lớn. Việc này đồng nghĩa với mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Trước tình hình các nguồn viện trợ xã hội từ nước ngoài ngày càng giảm, ngân sách nhà nước không có thì chúng ta chỉ có thể thông qua một con đường duy nhất đó chính là BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS” - ông Thuận đề xuất.

 

Mục tiêu 90-90-90: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

Điều trị kháng retrovirus (ARV):  Điều trị ARV làm giảm tải lượng virus, giúp tăng số lượng tế bào TCD4, làm giảm nguy cơ mắc và tử vong các nhiễm trùng cơ hội và các bệnh liên quan tới AIDS, giúp giảm nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, tăng chất lượng sống của người bị nhiễm HIV/AIDS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm