Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thêm 5 - 7 năm

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chiều 26/5, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai cho biết, để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH.

Cụ thể, từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi sẽ tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm còn lại. Ngoài những ý kiến tán thành, nhiều quan điểm khác đề nghị thực hiện theo Bộ luật lao động, chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.

luat-lao-dong-5932-1401097309.jpg

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính lương hưu nhằm đảm bảo cân đối quỹ cũng như an sinh xã hội. Ảnh minh họa:Hoàng Hà.

Tán thành với ý kiến thứ hai, tuy nhiên bà Mai cho rằng cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Hiện Bộ luật lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm; đồng thời một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo luật lần này cũng sửa đổi cách tính lương hưu theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, 2018 là 18 năm, 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm.

Theo bà Trương Thị Mai, nhiều ý kiến tán thành với quy định tuy nhiên vẫn có nhiều người cho rằng khi thay đổi cách tính như trên là làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. 

Vì thế, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng phải tổ chức thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu BHXH để không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương hưu các thời kỳ. Đồng thời, dự thảo cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc người lao động được bảo đảm hưởng mức lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Bên cạnh đó, dự thảo luật này cũng đề xuất mở rộng nhóm tham gia BHXH là những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam… Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cũng được mở rộng bao gồm cả các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động (cùng với mức lương, phụ cấp lương). Đồng thời, dự án luật cũng bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật. 

Sau 7 năm thi hành, luật BHXH còn những tồn tại. Cụ thể, diện bao phủ còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng ngắn; số người nhận trợ cấp một lần tăng; mức tiền lương làm căn cứ đóng thấp so với thu nhập thực tế của người lao động; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH chưa giảm... Việc sửa đổi luật nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ lao động tham gia tự nguyện. Đồng thời đảm bảo an toàn, cân đối quỹ thông qua việc điều chỉnh công thức tính lương hưu và tăng thời gian đóng.

Theo Nam Phương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm