Đề xuất tăng lương 7-8% cho người lao động

(PLO)-  Đại diện NLĐ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức từ 7-8% từ ngày 1-7-2022, trong khi đó phía chủ sử dụng lao động đề nghị tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-4, Hội đồng tiền lương quốc gia nhóm họp kín phiên thứ hai bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng, dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia.

Trả lời báo chí trước phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên hai năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Ảnh: PHÚ PHONG

Người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Ảnh: PHÚ PHONG

Cạnh đó, dịch COVID-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) và gia đình họ. Một bộ phận NLĐ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

“Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận NLĐ đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của NLĐ cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Vì vậy, đại diện cho NLĐ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 7-8% từ ngày 1-7-2022. Căn cứ tăng dựa vào tình hình kinh tế - xã hội, khi trong nước đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ. Trong khi đó NLĐ thì vẫn đang hết sức khó khăn cùng với giá cả leo thang.

Về phía đại diện chủ sử dụng lao động, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI), cho rằng nếu điều chỉnh tăng lương thì nên vào đầu năm 2023, bởi phù hợp với năm tài chính. Song song đó, điều chỉnh lương quá gấp sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Bởi vì thời điểm này nguồn tiền lương điều chỉnh có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động để ổn định sản xuất cho cả năm sau những biến động của dịch COVID-19.

Cùng quan điểm, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng các công ty đang xây dựng kế hoạch kinh doanh với chủ trương không thay đổi mức lương tối thiểu vùng năm 2022, vì vậy việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm có thể tác động đáng kể đến việc quản lý doanh nghiệp.

“Còn việc điều chỉnh lương từ đầu năm 2023 chúng tôi không phản đối, nhưng cần lưu ý mức điều chỉnh. Hiện các doanh nghiệp đang tiến hành điều chỉnh lương, nên giả sử nếu tăng mức lương tối thiểu trong hai năm liền sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể chịu được gánh nặng về chi phí nhân công…”- đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho hay.

Nếu không chốt được phương án sẽ nhóm họp phiên thứ 3

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết phiên họp thứ hai, phía đại diện NLĐ và đại diện chủ sử dụng lao động sẽ đưa ra các phương án để thương lượng về việc tăng lương. Nếu không đạt được thỏa thuận, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp phiên thứ 3 để thống nhất phương án trình Thủ tướng xem xét quyết định.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm