Đề xuất thí điểm xây trường mầm non cho con em công nhân

(PLO)- Tại tọa đàm “Hỗ trợ công nhân lao động về việc chăm sóc và nuôi dạy con” do LĐLĐ TP.HCM tổ chức, có nhiều ý kiến đề xuất thí điểm mô hình trường mầm non phục vụ con em người lao động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Ngày 8-10, tại Hội trường Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Hỗ trợ công nhân lao động về việc chăm sóc và nuôi dạy con”.

Tọa đàm do Liên Đoàn Lao Động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức, với sự tham gia của đại diện các tổ chức công đoàn và doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực giúp công nhân, người lao động yên tâm lao động, giảm bớt khó khăn trong việc nuôi dạy con em.

Lại đề xuất xây trường cho con em công nhân

Bà Lê Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Chế xuất - Công nghiệp (KCX-CN) TP.HCM, cho biết hiện Công đoàn các KCX-CN TP đang quản lý 17 công đoàn KCX-CN với 732 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 130.436 lao động nữ, chiếm gần 70% tổng số 217.394 công nhân lao động.

“Vấn đề cấp thiết là phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân ngoại tỉnh – đối tượng chiếm tới gần 70% tổng số lao động trong các doanh nghiệp thuộc các KCX-KCN” - bà Huyền cho hay.

Hiện tại, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu gửi trẻ, trong khi 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Bên cạnh đó, bà Huyền còn đề xuất thí điểm mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non phục vụ con em công nhân, người lao động. Mô hình này bao gồm việc nhận trẻ ở nhiều độ tuổi; tổ chức giữ trẻ theo ca của bố mẹ và mở rộng thời gian giữ trẻ ngoài giờ hành chính.

Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện một công ty cơ khí cho biết công nhân từ quê lên thành phố làm việc gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc con cái. Nhiều người phải để con ở lại với ông bà, dẫn đến việc trẻ không được quan tâm đầy đủ.

Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều công nhân muốn trở về quê để được sống gần con cái, tiện chăm sóc và giáo dục chúng tốt hơn.

Do đó, ông Hùng đề xuất nên xây dựng mô hình trường học cho con em công nhân để người lao động có thể yên tâm làm việc.

người lao động.jpg
Trong ảnh, các bé Trường mầm non 30-4 trong 1 tiết học nhịp điệu. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cần khảo sát cụ thể hơn

Phát biểu tại tọa đàm, bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban Nữ công, LĐLĐ TP.HCM, cho biết trước đây thành phố đã thí điểm một số chương trình giữ trẻ ngoài giờ cho con em công nhân, người lao động.

Tuy nhiên, tỷ lệ gửi trẻ không đáng kể vì phần lớn công nhân, người lao động thường chọn gửi con gần nhà, gửi về quê hoặc hay di chuyển chỗ ở.

người lao động.jpeg
Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban Nữ công, LĐLĐ TP.HCM phát biểu.

“Để xây dựng chính sách phù hợp, cần có nhiều tư liệu và nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi mỗi khu vực có đặc thù và nhu cầu riêng. Thêm vào đó, số lượng công nhân, người lao động di chuyển liên tục khiến việc theo dõi và hỗ trợ gặp khó khăn” - bà Liên nói.

Phát biểu tổng kết, bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết mục tiêu hàng đầu hiện nay là tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong việc chăm sóc và dạy con.

"Qua một số ý kiến từ các cấp công đoàn đã thu thập được một lượng lớn thông tin để đưa vào các đề án đề xuất. Những đề xuất hợp lý sẽ được báo cáo và trình lên Bộ LĐ-TB&XH để xem xét" - bà Phương nói.

Theo bà Phương, hiện nay, các cơ sở nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi nhưng chương trình giáo dục mầm non chuẩn vẫn chưa đến được với trẻ mà chỉ dừng lại ở mức độ trông giữ. Bên cạnh việc mở rộng số lượng trường lớp, cần phải nghiên cứu các chính sách phù hợp. Đặc biệt là về việc gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi và tổ chức các hình thức giữ trẻ ngoài giờ làm việc.

Bà Phương đề xuất nên đưa quy định về chi phí trong công đoàn, bao gồm cả chi phí chăm sóc con em người lao động tại các tỉnh, thành. Đây là nội dung cần được nghiên cứu và đề xuất trong thời gian tới để đảm bảo công nhân lao động có thể yên tâm làm việc.

Do đặc thù công nhân lao động tại các KCN phần lớn là lao động trẻ nên nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân ngày càng tăng. Trước thực trạng thiếu trường lớp mầm non dành cho con công nhân, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định cơ chế, chính sách giải quyết khó khăn đối với giáo dục mầm non ở khu vực này.

Theo bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban nữ công (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con giai đoạn 2023-2028” nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực giúp công nhân yên tâm lao động, giảm bớt khó khăn trong việc nuôi dạy con em.

Để triển khai đề án, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại 5 tỉnh, thành phố trọng điểm gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Long An và Thái Nguyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm