Ngày 4-10, tại hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm và phương hướng, giải pháp 3 tháng cuối năm 2024 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra sở này cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 52 vụ tai nạn lao động chết người.
Trong đó, làm chết 54 người, bị thương 5 người nhiều hơn 16 vụ so với cùng kỳ năm 2023 (36 vụ).
“Tai nạn lao động xảy ra trên các công trình xây dựng là cao nhất. Do người lao động và thiết bị luôn di động, chịu ảnh hưởng của yếu tố khí hậu và thời tiết (nhất là mùa mưa).
Ngoài ra, các mối nguy cơ tiềm ẩn thay đổi theo tiến độ công trình, luôn phát sinh và tăng mức độ nguy hiểm cao hơn theo quy mô, chiều cao và độ sâu của công trình. Cạnh đó, là do lực lượng lao động trong ngành xây dựng phần lớn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, ý thức về công tác an toàn lao động chưa cao” - ông Lâm cho hay.
Qua đó, ông Lâm đề xuất nên công khai các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với những tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người mà chưa đến mức xử lý vi phạm hình sự; các vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
“Điều này không chỉ nhằm tăng cường tính răn đe mà còn giúp nâng cao nhận thức trách nhiệm của các bên, tránh tình trạng vi phạm tái diễn. Công khai xử phạt cũng là cách để xã hội theo dõi, giám sát, từ đó tạo sức ép, buộc các cá nhân, tổ chức tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn lao động” - ông Lâm nói.
Tiếp lời ông Lâm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Văn Thinh nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường tập huấn an toàn lao động, đặc biệt tại các công trình xây dựng - nơi thường xảy ra tai nạn liên quan đến điện và té ngã.
Cạnh đó, ông Thinh cũng đề xuất rằng sau này, việc rà soát các đơn vị vi phạm an toàn lao động phải bao gồm yếu tố không chấp hành tập huấn.
“Các đối tượng cần tập trung tổ chức tập huấn trong thời gian tới bao gồm đội trưởng công nhân trực tiếp thi công, phụ trách công trình, chủ đầu tư và tư vấn giám sát các công trình…
Đây là những nhân sự đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an toàn lao động tại các dự án. Các doanh nghiệp không tham gia tập huấn sẽ bị xem xét thêm vi phạm này" - ông Thinh nói.
Ngoài ra, ông Thinh cũng yêu cầu thanh tra sở phải xây dựng danh sách mời tập huấn cụ thể, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp hạn chế di chuyển và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kích cầu, cải thiện an toàn lao động.
Tính đến ngày 30-9, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã thực hiện 182 cuộc kiểm tra chuyên ngành về kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.