Đề xuất thu phí kiểm định mô tô, xe máy từ năm 2022

Sáng 8-12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM”.
Thu phí kiểm định khí thải: 50.000 đồng/xe/năm
Thông tin về đề án, ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc viện chuyên ngành môi trường Viện Khoa học công nghệ GTVT, nhóm nghiên cứu đề án, cho biết đề án nhằm giảm thiểu khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường; cắt giảm khí nhà kính, thực hiện các cam kết của quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng hạn chế phương tiện cá nhân trong tương lai. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra khí thải cho 10.682 xe máy, khảo sát 7.216 người dân. 
Ông Khang nhấn mạnh đề án sẽ không gây xáo trộn lớn cho xã hội; không ảnh hưởng nhiều đến người dân và người dân thực hiện kiểm định khí thải xe máy một cách tự nguyện. Tổng chi phí để thực hiện đề án đến năm 2030 là 350 tỉ đồng. Đề án được thực hiện qua bốn giai đoạn cụ thể. 
Giai đoạn chuẩn bị (năm 2021): Xây dựng và ban hành các chính sách, các quy định về kiểm định xe máy; đầu tư 88 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu. 
Giai đoạn thử nghiệm (2022- 2023): Hoàn thiện chính sách kiểm định xe máy; thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu khí thải xe máy và thu phí 50.000 đồng/xe/năm; miễn phí kiểm tra khí thải cho người nghèo có xác nhận của địa phương… 
Giai đoạn 2024-2025: Đây là giai đoạn thực thi một phần, đầu tư thêm 78 trạm kiểm định; thực hiện chính sách tổ chức giao thông các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải lưu thông tại các khu vực đã phân vùng. 
Giai đoạn thực thi toàn phần (năm 2026): Tiếp tục nâng mức chuẩn khí thải; thực hiện kiểm soát khí thải đối với tất cả các xe. 
Phải tăng trách nhiệm của nhà sản xuất
Tại hội nghị, nhiều ý kiến góp ý đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra để đề án được hoàn thiện hơn. 
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng đề án cần phải đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp, cụ thể ở đây là các hãng xe. Ông cho rằng phải nâng trách nhiệm của nhà cung cấp, của doanh nghiệp. Bởi nhà cung cấp không thể đưa ra thị trường một sản phẩm kém chất lượng rồi bắt người dân, xã hội phải gánh. 
“Các giải pháp đưa ra còn cồng kềnh, tốn kém, phải bắt buộc những nhà bán xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ xe cho dân. Nếu không được thì nhà cung cấp phải đóng cửa” - PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh.
Cùng đó, PGS-TS Phạm Xuân Mai đề nghị cần xem lại số mẫu thử nghiệm mà nhóm nghiên cứu làm, số mẫu quá thấp không đủ độ tin cậy. Theo ông, đơn vị nghiên cứu cần nghiên cứu trên ít nhất 5%-10%/tổng số 7 triệu xe máy đang lưu hành ở TP.

Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, cho hay với lượng xe lớn, trong đó xe máy chiếm tỉ lệ phát thải cao gây ô nhiễm môi trường, việc kiểm định khí thải xe máy là cần thiết. Theo ông Phước, trong thời gian qua, Sở GTVT cùng với các đơn vị phối hợp thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, kết hợp khảo sát ý kiến từ người dân. Kết quả cho thấy đa số người dân đồng tình với việc triển khai kiểm định khí thải để giảm ô nhiễm, đồng thời giảm xe cá nhân để góp phần giảm tình trạng kẹt xe. 
Luật sư Trương Thị Hòa cũng nêu nhận định độ thuyết phục của đề án chưa cao; chưa đánh giá đầy đủ về thực trạng, tác động của môi trường làm thiệt hại đến người dân như thế nào; đề án cũng không nêu bật được người dân sẽ được lợi gì. Theo luật sư Hòa, phải ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu về chi phí, thời gian cũng như chú trọng việc đào tạo các chuyên gia kiểm định để có đội ngũ làm việc lâu dài trong thời gian tới. Bà cũng kiến nghị làm rõ cơ sở pháp lý, chính sách đối với người nghèo mà xe máy là phương tiện mưu sinh.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến góp ý đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra để đề án được hoàn thiện hơn. Ảnh: THANH TUYỀN

TS Trịnh Văn Chính, Trưởng bộ môn Quy hoạch giao thông, ĐH GTVT TP.HCM, đề xuất: Cần có đánh giá tác hại của ô nhiễm khí thải xe máy đến sức khỏe, kinh tế để người dân nắm rõ hơn. Đồng thời cần phải làm rõ rằng đề án này là vì dân, vì sự văn minh của TP thì mới đảm bảo tính thuyết phục. 

Tiếp nhận ý kiến góp ý, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết việc thí điểm kiểm định thời gian qua và hội nghị phản biện hôm nay chính là bước chuẩn bị quan trọng để xây dựng đề án thí điểm kiểm định khí thải xe máy sắp tới. Sở cùng các đơn vị nghiên cứu sẽ đưa ra lộ trình từng giai đoạn. Phạm vi áp dụng cũng sẽ mở rộng dần theo từng giai đoạn, đồng thời có chính sách đối với người nghèo. 
“Chúng tôi chú trọng các giải pháp công nghệ thông minh nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, có cơ sở pháp lý, chế tài phù hợp. Mức phí kiểm định cũng sẽ được xem xét lại đảm bảo sau quá trình triển khai, môi trường sẽ được cải thiện” - ông An nói.•

 Cân nhắc để lao động nghèo không phải chịu quá nhiều phí, thuế

Ở góc độ địa phương, ông Đỗ Văn Trung, đại diện quận Bình Tân, nêu quan điểm đề án tác động đến người nghèo và người lao động rất lớn. Theo ông, đây là những đối tượng chiếm tỉ lệ sử dụng xe cũ rất cao, cũng là phương tiện thải ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Do đó, đề án khi triển khai sẽ tăng thêm gánh nặng lên người lao động có thu nhập thấp; trong khi hiện nay người dân đi xe máy cũng đã chịu phí bảo vệ môi trường. Ông Trung cho rằng nếu đề án triển khai mà không nhận được sự đồng thuận của người dân thì rất khó, cần bàn tính lại.  

Đồng quan điểm, ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cũng cho rằng việc xây dựng đề án là phù hợp nhưng cần cân nhắc vấn đề thu phí làm sao để người lao động nghèo không phải chịu quá nhiều phí, thuế trên vai vì hiện nay, bản thân người dân cũng đã phải chịu nhiều thuế, phí.

Video đang xem nhiều

Đọc thêm