Như vậy, sau Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư (của Bộ Công an), CSDLQG về chăn nuôi (của Bộ NN&PTNT đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý dự thảo), mới đây Bộ LĐ-TB&XH đang đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định quy định CSDLQG về bảo hiểm.
Theo đó, trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ CSDLQG về bảo hiểm là một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai, bên cạnh CSDLQG về đất đai, đăng ký doanh nghiệp, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính, dân cư.
Đồng thời, Nghị định quy định về CSDLQG về bảo hiểm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng các dữ liệu về bảo hiểm để phục vụ việc quản lý nhà nước, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân…
Bên cạnh đó, việc xây dựng CSDLQG về bảo hiểm giúp kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác và với các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
CSDLQG về bảo hiểm là tập hợp những thông tin cơ bản về bảo hiểm xã hội; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm y tế.
Dữ liệu quốc gia về bao gồm các nhóm thông tin như: Nhóm thông tin cơ bản về người tham gia bảo hiểm; Thông tin cơ bản về bảo hiểm xã hội của người tham gia; Thông tin về bảo hiểm y tế của người tham gia; Thông tin về tổ chức đóng bảo hiểm cho người lao động; Thông tin về cơ sở khám chữa bệnh…
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng được một số các cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ quản lý nghiệp vụ chuyên ngành như cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; dữ liệu đơn vị tham gia và người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; dữ liệu hồ sơ thanh toán và giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Đây là những cơ sở dữ liệu có tính chất nền tảng cho việc xây dựng CSDLQG về bảo hiểm.