Lúc đó tại ngã tư có CSGT chốt nhưng khi người này rẽ cũng không bị phạt dù tại ngã tư không có biển báo cho phép rẽ phải. Nếu như ở quê tôi là bị phạt ngay. Cho tôi hỏi, đèn đỏ ở TP.HCM có được phép rẽ phải không? Luật quy định như thế nào? Và nếu vi phạm sẽ bị phạt bao nhiêu?
Nguyễn Thanh Quang (Quận 9, TP.HCM)
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Tại Điều 10 Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ thì tín hiệu xanh là cho phép đi, tín hiệu đỏ là dừng lại. Riêng tín hiệu vàng thì người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”; nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Nếu khi đèn đã chuyển sang màu vàng mà người điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “Vạch dừng xe” thì sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Trường hợp tại nơi giao nhau nhưng có đèn tín hiệu cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ. Những trường hợp còn lại phải chấp hành theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn được áp dụng trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, người bấm còi rẽ phải mà bạn đề cập nêu trên đã đi sai luật.
Theo Điều 5 và Điều 6 của Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì bị phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với ô tô và từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, đó là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng.