Bầu Thắng tiết lộ trong hai nhiệm kỳ (sáu năm) ông kiếm về cho VPF hàng trăm tỉ đồng nhưng chưa bao giờ ông bỏ túi riêng 1 đồng nào cả. Tuy nhiên, chỉ sau khi rời khỏi VPF chưa đầy nửa năm, bầu Thắng nghe kể lại nhiều chuyện lạ khiến ông giật mình.
Vào VPF để nhận lương và xài tiền
Ngay từ những ngày đầu, bầu Thắng và các cộng sự khai sinh ra VPF đã nhất trí các thành viên trong HĐQT không nhận lương. Thế mà nghe đâu VPF nhiệm kỳ mới phải trả lương cho HĐQT và còn đòi tăng lương nhưng kịp dừng lại do một thành viên phản đối dữ dội.
VPF còn chơi sang mua thêm một chiếc xe hơi có giá gần 1,2 tỉ đồng và thuê nhà cho một ông phó chủ tịch VPF sử dụng trong khi hai chiếc xe hơi bầu Thắng từng xin về rồi để lại vẫn chạy tốt. Đó là chưa kể khi bàn giao VPF, bầu Thắng còn để lại nguồn vốn lưu động 20 tỉ đồng và hơn 30 tỉ đồng khác trong tài khoản. Cho nên lúc bầu Thắng nghe lại chuyện VPF tiền nhiệm chỉ để lại bộ bàn ghế rách, ông đau và buồn lắm!
Bầu Thắng khi bắt tay làm ở VPF đã chủ động rút khỏi VFF và tạo những mối quan hệ mật thiết với bóng đá Nhật. Ảnh: PV
Trong khi đó, nhìn vào bộ sậu kế nhiệm với những cách xài tiền khác lạ, bầu Thắng thở dài: “Tôi nghĩ HĐQT của Công ty VPF không phải ngồi vào để nhận lương hoặc chỉ là tượng trưng thôi. Nếu tôi biết rõ HĐQT VPF sử dụng tiền một cách hoang phí, tôi bỏ bóng đá, không đầu tư cho đội Long An nữa. CLB này cũng là cổ đông của VPF và tôi không muốn đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình bị người khác sử dụng một cách méo mó hoặc sai mục đích”.
Nghịch lý vừa làm sếp vừa làm lính
Có chung quan điểm với bầu Đức về việc Chủ tịch VPF Trần Anh Tú ôm đồm quá nhiều ghế, bầu Thắng có cách ứng xử nhẹ nhàng hơn. Ông chọn giải pháp chia sẻ với bầu Tú và dùng lời lẽ thiệt hơn phân tích: “Điều này bầu Đức nói hợp lý! Không ai có thể ba đầu sáu tay kiêm nhiệm cùng lúc cả 8-9 chức vụ khác nhau trong bóng đá. Bản thân tôi khi làm chủ tịch VPF thì rút ngay ra khỏi Ban Chấp hành VFF. Một nửa cái đầu của tôi phải suy nghĩ về nghề chính là kinh doanh, nửa còn lại tìm cách đem tiền về cho VPF đủ mệt rồi. Anh Tú cũng vậy! Anh ấy phải lo cho công việc làm ăn của mình, giờ ngồi ghế chủ tịch, tổng giám đốc VPF, trưởng ba giải đấu, chủ tịch LĐBĐ TP.HCM,… lại còn ứng cử phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính nữa thì sao mà làm nổi.
Tôi có hỏi thì anh Tú trần tình công việc của VFF và VPF gần giống nhau nên khi ứng cử phó chủ tịch VFF sẽ dễ điều hành, quản lý VPF hơn. Tôi nói như thế là không đúng và dẫn chứng đơn giản: Lúc trước anh Tuấn (Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn phụ trách chuyên môn) tham gia HĐQT, tôi đã nói không ổn rồi. Anh Tuấn ở VFF trên danh nghĩa là sếp tôi nhưng khi sang VPF lại là lính tôi, sao mà làm việc. Bây giờ anh Tú vừa làm sếp vừa làm lính thì càng không ổn.
Tôi nói thẳng anh Tú chỉ cần ngồi một ghế thôi, VFF hoặc VPF, vì tính chất đặc thù ở hai tổ chức này khác biệt nhau. Nhưng anh ấy chưa có câu trả lời cuối cùng. Tôi có một cuộc hẹn với anh Tú và bầu Đức vào ngày 12-4 để tất cả trải hết lòng mình ra. Và nếu anh Tú không bỏ bớt ghế đi, tôi hay bầu Đức sẽ phản đối tới cùng. Nghe nói VPF đang tìm người thay thế anh Tú làm tổng giám đốc và trưởng các giải, cũng chưa biết sao”.
Lỗi không phải chỉ ở ông Trần Anh Tú Bầu Thắng nói rõ việc ông Trần Anh Tú ngồi cùng lúc ba ghế ở VPF có phần lỗi chủ yếu của HĐQT: “Tôi rất ngạc nhiên khi anh Tú kiêm nhiệm quá nhiều công việc, đâu phải do VPF thiếu người. Anh Cao Văn Chóng đang làm tốt cương vị tổng giám đốc VPF và chính tôi đã xin Becamex cho anh ấy tiếp tục biệt phái. Hay anh Nguyễn Minh Ngọc cũng thạo việc làm trưởng các giải đấu quốc gia, tại sao mình không sử dụng? Tôi nghĩ lỗi chính trong việc này thuộc về HĐQT Công ty VPF. Vì sao khi biểu quyết tín nhiệm ông Trần Anh Tú, bảy thành viên khác trong HĐQT không thấy sự bất hợp lý này và không có chính kiến? Điều tôi nói là vì cái chung của bóng đá Việt Nam, không nhắc đến hiện tượng bè phái gì trong VPF để nghiêng ngả hết cả về phía anh Tú. Giả sử tôi còn ở VPF, chắc chắn không có chuyện này xảy ra. Tôi phải đấu tranh để không tồn tại điều bất hợp lý này và tôi tin mình nắm chắc phần thắng. Tôi cảm thấy có điều gì đó bất thường khi xu hướng tiến bộ chung là phải tách biệt VFF và VPF để mọi thứ chuyên biệt và chuyên nghiệp hơn. Còn lúc này dường như người ta đang muốn gộp chung lại làm một. Tôi cảm thấy rất buồn khi ai cũng nói vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam nhưng cách làm thì không phải”. |