Triển lãm có sự tham gia của 2.400 gian hàng sản phẩm, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, kiến trúc bất động sản (BĐS) và trang trí nội ngoại thất của 27 quốc gia.
Không gian văn hóa truyền thống Nam bộ
Đến với khu triển lãm của Tập đoàn Phúc Khang, được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống Nam bộ thông qua các vở cải lương được sân khấu hóa hoàn toàn mới, khách tham quan thêm tự hào và trân quý lịch sử văn hóa nước nhà.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ mang đến vở “Thái hậu Dương Vân Nga” do chính anh sáng tác và trình diễn cùng các nghệ sĩ có chung niềm đam mê văn hóa.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói về văn hóa truyền thống tại triển lãm.
Tác phẩm giúp người xem hiểu hơn ý nghĩa của đế phục, về áo long cổn thời nhà Đinh được thiết kế tinh tế với các họa tiết độc đáo gồm có mặt trời, mặt trăng, vì sao (sao thìn tượng trưng cho rồng), chim trĩ (vật báu trừ tà), núi non, cây cỏ, lửa, hạt gạo, cốc tế… Tất cả 12 chi tiết này phản ánh sự nhận thức về vũ trụ quan và sự hòa hợp giữa đất trời cùng con người.
Vở cải lương “Thái Hậu Dương Vân Nga” được tái hiện một cách sống động trên sân khấu triển lãm.
Áo long cổn, mũ bình thiên - còn gọi là mũ miện hoàng đế có châu ngọc rũ xuống với 12 lưu ngọc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Một lưu ngọc có 12 viên, tượng trưng cho 12 giờ (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) trong một ngày.
Dải ngọc phía trước mũ bình thiên tượng trưng cho ngày tháng của tương lai, dải ngọc phía sau là ngày tháng của quá khứ. Khi hoàng đế đội chiếc mũ này lên, xưng mình là Kim Thượng (kim là hiện tại, thượng là đấng tối cao) nghĩa là người dẫn quá khứ của đất nước đưa đến bờ bến tương lai tốt đẹp.
Những vở diễn khiến khách tham quan thích thú
Hàng loạt các tiết mục khiến người xem vô cùng thích thú như: Dạ cổ hoài lang, Nghĩa làng sen, các tiết mục múa bông sen…
Lồng ghép vào phần diễn, anh Hồ Nhựt Quang giới thiệu đến khách tham quan về những nét văn hóa truyền thống được hình thành từ xưa đến nay. Ví dụ như lễ nghi trong đời người, từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi có lễ đầy tháng, lễ thôi nôi, lễ tốt nghiệp, lễ cưới, lễ tang, lễ giỗ…
Cụ thể, khi làm lễ đầy tháng thì làm “Lễ mách miếng”, lễ cưới thì có mâm trầu cau nói lên tình keo sơn son sắt, lễ ma chay thì có việc cắt nút áo của người mất để chừa lại vì đó là biểu tượng của giá trị đạo đức. Mà theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì áo dài nam có 5 nút thẳng tượng trưng Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí - Tín, áo dài nữ có 4 nút thẳng tượng trưng Công – Dung – Ngôn – Hạnh.
Đặc biệt hơn, hình ảnh chiếc nón Việt Nam cũng được nhắc đến mang đầy ý nghĩa. Theo đó, vành nón lá có 16 vành tre, tượng trưng hòa khí (Nam thất-Nữ cửu). Người đàn ông có 7 lỗ thoát khí (2 lỗ mũi, miệng, 2 lỗ tai, lỗ tiểu, lỗ hậu), phụ nữ có 9 lỗ thoát khí vì có thêm cặp nhũ để tiết sữa nuôi con.
Do ý nghĩa này mà dân Nam bộ mượn thế núi 7 ngọn Thất Sơn ở Châu Đốc tượng trưng công cha, mượn sông 9 dòng Cửu Long tượng trưng cho nghĩa mẹ. Trên bàn thờ tổ tiên, người ta thờ Cửu huyền thất tổ là vậy. Nón lá Việt Nam vì thế được kiến trúc sư người Pháp thiết kế trang trí làm đỉnh đầu Bưu điện TP.HCM.
Ngoài ra, trước khi kết thúc chương trình, diễn giả Hồ Nhựt Quang không quên thị phạm về nghệ thuật khóc cười trên sân khấu mà cố GS-TS Trần Văn Khê dạy lại cho anh thuở sinh tiền để tặng khách tham quan. Những nụ cười giòn tan như xua tan mệt mỏi của một tuần làm việc vất vả và thêm vào đó là mọi người hiểu hơn, yêu hơn về văn hóa nước nhà.