Gần 100 gia đình cùng đưa các con nhỏ đến tham gia buổi nói chuyện thú vị tìm hiểu về ngày quốc tổ mùng 10 tháng 3 tại khu đô thị Làng sen Việt Nam (tỉnh Long An).
Các em nhỏ tự tay vẽ những bức tranh thi trong ngày lễ giỗ tổ.
Mở đầu buổi nói chuyện, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ, học trò ưu tú của cố GS.TS Trần Văn Khê nhắc nhớ lại về ý nghĩa của ngày giỗ Tổ, “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”.
Cứ đúng ngày này là người dân nô nức hướng về Đền Hùng dâng lễ, thắp hương nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn của con cháu Đại Việt trước công lao dựng nước của các vua Hùng. Thế nhưng, điều ít ai biết rằng lịch sử dân tộc ta có 18 đời vua Hùng nhưng lại chọn ngày mùng 10 tháng 3 làm ngày giỗ Tổ, vậy thì giỗ cho ông vua nào?
Câu trả lời được diễn giả Hồ Nhựt Quang trình bày cặn kẽ: “Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Do vậy, theo logic, giỗ Tổ vua Hùng, tức là giỗ tổ phụ Kinh Dương Vương".
Những nét vẽ mộc mạc chưa thành hình.
Theo một số tài liệu có ghi, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Thời Thục Phán – An Dương Vương, trên núi Nghĩa Lĩnh đã có cột đá thề với nội dung: “Nguyện có đất trời chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
“Từ đó, các đời vua sau này ghi nhớ công ơn của các đời vua Hùng dựng nước và giữ nước nên cho đến nay việc giỗ Tổ vua Hùng được coi là dịp lễ để tưởng nhớ các đời vua Hùng nói chung” – diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.
Riêng việc chọn ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3, diễn giả Hồ Nhựt Quang nói thêm, trước đây, người dân không có tục đi lễ vào ngày 10-3, họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của từng người và nô nức đến lễ bái các vua Hùng suốt năm.
Nhận thấy, thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân, vào năm 1917 Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10-3 âm lịch hàng năm làm ngày quốc lễ.
Bàn tay dính đầy màu sơn khi các em hoàn thành bức tranh của mình.
Đến ngày 25-7-1917, Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc có công văn dâng lên Bộ Lễ triều đình Nguyễn xin lấy ngày 10-3 Âm lịch làm ngày tổ chức lễ hội. Sau khi được đồng ý, từ năm 1918 trở về đây, lễ hội được tổ chức định kì vào 10-3 Âm lịch".
Không dừng lại đó, phụ huynh và các em nhỏ còn được nghe kể chuyện về bánh chưng bánh giày, triết lý vuông tròn trong kinh dịch cũng như đức tính mực thước của con người thời xưa qua hình ảnh cây tre.
NGƯT Phạm Thúy Hoan cùng các em nhỏ tập những bài hát về ngày giỗ Tổ.
Các em đã tự tay vẽ nên hình ảnh cây tre bằng chính sự hiểu biết của mình để dự thi trong chương trình như một phần góp vào ngày quốc tổ của dân tộc.
Buổi nói chuyện kết lại bằng các tiết mục văn nghệ sôi động, ai cũng hứng thú vì biết thêm những điều bổ ích.