Sáng 26-12, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội nghị thường niên năm 2024. Theo báo cáo của PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực về đào tạo, phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học...
Đáng chú ý, lần đầu tiên số lượng công bố quốc tế của ĐH Quốc gia TP.HCM vượt mốc 3.000 bài báo, dẫn đầu cả nước. Trong đó, số công bố quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu Scopus đạt 3.168 bài (tính đến 24-12), tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 104% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế khi thuộc tốp 901-950 các đại học tốt nhất thế giới, đạt vị trí 184 các đại học xuất sắc nhất châu Á, tăng 36 bậc so với năm 2023.
Về khoa học và công nghệ, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM bội thu giải thưởng khoa học, công nghệ. ĐH Quốc gia TP.HCM đã khởi công Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo sau nhiều năm chuẩn bị. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4,65 hecta, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 700 tỉ đồng. Đây sẽ là nơi đặt các phòng thí nghiệm tiên tiến có quy mô hàng ngàn tỉ đồng, các xưởng sản xuất thử nghiệm, các trung tâm R&D hợp tác với doanh nghiệp...
Cũng ở nội dung này, theo báo cáo của GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tổng số đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của ĐH Quốc gia TP.HCM từ đầu năm tháng 11-2024 là 867 đơn. Trong đó, 307 đơn đã được cấp bằng, 427 đơn đang trong giai đoạn thẩm định.
Cạnh đó, các đơn vị của ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký kết 875 hợp đồng dịch vụ về khoa học và công nghệ với doanh thu 241,2 tỉ đồng, giảm so với 2 năm trước (năm 2022 hơn 319 tỉ đồng, năm 2023 hơn 288 tỉ đồng).
Theo lý giải của ĐH Quốc gia TP.HCM, hoạt động sở hữu trí tuệ và khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế. Đơn cử, kinh phí hạn chế; các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học chưa quan tâm đến hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ. Chất lượng tài sản trí tuệ chưa cao; chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học tăng cường đăng ký sở hữu trí tuệ; hoạt động quản lý, khai thác tài sản trí tuệ chưa cao, giá trị chuyển giao công nghệ còn thấp...
Các sản phẩm hình thành từ nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa thể thương mại hóa do vướng phải nhiều quy định dù Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực.
Nghiên cứu liên ngành và công bố quốc tế, số lượng đăng ký triển khai liên ngành lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn cấp ĐH Quốc gia TP.HCM hằng năm còn rất thấp, chưa phát huy hết nguồn lực sức mạnh hệ thống. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề trọng tâm của TP.HCM còn hạn chế, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ chưa đạt hiệu quả cao. Đồng thời, chưa có các chương trình nghiên cứu lâu dài để tạo ra sản phẩm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tập trung hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hiện đại
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, định hướng năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới quản trị đại học, tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới, phù hợp với Chiến lược phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM.
Cạnh đó, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục triển khai đề án thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị, thực hiện thí điểm đánh giá KPI đối với viên chức, người lao động.
ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Phát triển chương trình thu hút bồi dưỡng học sinh giỏi, chương trình đào tạo tài năng các ngành khoa học cơ bản. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cùng với đó là phát triển và đăng ký bằng sáng chế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế...