Ngày 2-2, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội (PC67 Hà Nội), cho biết PC67 Hà Nội đang mở đợt cao điểm tuyên truyền, xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông. Theo đó, từ ngày 1-2, nhiều tổ công tác thuộc PC67 Hà Nội tập trung ở các khu vực trung tâm để nhắc nhở, xử lý người đi bộ sai phần đường quy định.
Muôn lỗi vi phạm
Đại tá Thắng hướng dẫn người đi bộ phải đi trên vỉa hè, lề đường. Những nơi không có vỉa hè, lề đường mà đi xuống lòng đường thì không bị coi là vi phạm nhưng phải đi bộ sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở các nơi có đèn tín hiệu, vạch sơn kẻ đường và không được leo qua dải phân cách... Trẻ em dưới bảy tuổi khi qua đường phải có người lớn dắt.
Vì vậy, những nơi có cầu vượt, có vạch kẻ đường, đèn tín hiệu… nhưng người đi bộ cố tình vi phạm sẽ bị xử lý. “Trước khi xử phạt, CSGT đã nhắc nhở nhiều ngày. Trong ngày đầu ra quân, CSGT Hà Nội đã phạt trên 100 người đi bộ với các lỗi là đi sai làn đường, vượt lan can, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông...” - Đại tá Thắng nói.
Theo Đại tá Thắng, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người ở Hà Nội trong năm 2015 gia tăng. Cụ thể, năm 2014 có 92 người chết thì năm 2015 có hơn 100 người chết. “Chúng tôi mở đợt cao điểm xử phạt nhằm giảm thiểu tai nạn” - Đại tá Thắng nói.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết người đi bộ vi phạm giao thông ở TP.HCM cũng xảy ra phổ biến. Nguyên do nhiều người muốn đi nhanh nên bất chấp quy định, nguy hiểm. Họ ào ào băng qua đường dẫn đến tai nạn chết người. “Đặc biệt, người đi bộ vi phạm giao thông xảy ra phổ biến ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bệnh viện... Họ thường xuyên băng qua đường, trèo qua dải phân cách, kể cả các nơi đã có cầu bộ hành. Theo thống kê, TNGT do lỗi của người đi bộ dẫn đến chết người đứng hàng thứ ba, sau xe máy và xe tải” - ông Tường nói.
Trước BV Ung bướu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có cầu vượt nhưng nhiều người vẫn qua đường như thế này. Ảnh: LÊ THOA
Một người đi bộ sai quy định bị xe máy va quẹt té ngã ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Internet
CSGT Hà Nội lập biên bản một người đi bộ sai quy định. Ảnh: TUYẾN PHAN
Không giấy tờ thì đưa về đồn
Theo Nghị định 171/2013, người đi bộ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 120.000 đồng. “PC67 sẽ xử lý triệt để những người đi bộ tham gia giao thông vi phạm và không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông” - Đại tá Thắng nhấn mạnh.
Đại tá Thắng cho biết trong những ngày đầu xử phạt, nhiều người đi bộ vi phạm đưa ra nhiều lý do như đi tập thể dục gần nhà, sang đường một tí thôi, không mang tiền, giấy tờ... để xin được bỏ qua. Tuy nhiên, CSGT vẫn kiên quyết xử lý. Nếu họ không mang giấy tờ tùy thân hay tiền nộp phạt thì bị đưa về công an phường lập biên bản.
Ngày 2-2, Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM (PC67 TP.HCM), cũng cho biết quy định xử phạt người đi bộ đã có từ lâu. Nhiều năm trước, PC67 TP.HCM đã tổ chức nhiều đợt cao điểm xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông nhưng hiệu quả thấp.
Trong các đợt xử lý như vậy, CSGT đều phối hợp với công an các địa phương nhưng nhiều người vi phạm là trẻ em, người không có tiền, giấy tờ tùy thân hoặc có xử lý thì bỏ chạy.
“Có trường hợp bị mời về phường thì họ khai ở tận Cà Mau nhưng hoàn toàn không có một giấy tờ gì cả nên không thể đề nghị công an địa phương xác minh và xử lý. Tình huống phổ biến là người vi phạm không có tiền, không có giấy tờ tùy thân. Lúc đó, CSGT không thể tạm giữ, xác minh còn công an các phường cũng ngại xử lý bởi nhiều trường hợp còn tốn… cơm cho người vi phạm. Do vậy, thời gian qua hầu như CSGT chỉ tuyên truyền, nhắc nhở người đi bộ vi phạm” - Đại tá Trà giải thích.
Khi được hỏi Hà Nội đang mở đợt cao điểm xử lý và trong ngày đầu đã có cả trăm trường hợp bị phạt, Đại tá Trà cho biết sắp tới PC67 TP.HCM cũng sẽ tập trung, xử lý.
Muốn đúng có khi phải lội bộ hơn 4 km TP.HCM đã tập trung tuyên truyền, xử lý người đi bộ nhiều lần nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Năm nay, chúng tôi sẽ siết chặt trách nhiệm người thực thi công vụ đối với tất cả hành vi trực tiếp dẫn đến TNGT, trong đó có xử phạt người đi bộ vi phạm. Các quận 12, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Hóc Môn... đã đô thị hóa nhưng nhiều nơi người dân muốn qua đường có khi phải đi 4-5 km; đồng thời lề đường, vỉa hè bị lấn chiếm; thiếu hầm chui, cầu bộ hành, đèn tín hiệu giao thông. Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát các khu vực trọng điểm, tính toán xây thêm cầu bộ hành, kẻ vạch qua đường. Tuy nhiên, các địa phương phải chịu trách nhiệm tạo thuận lợi để người đi bộ qua đường đúng quy định, tạo thông thoáng ở lòng, lề đường. Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Đánh liều qua đường Ở đoạn đường Điện Biên Phủ qua trường, ô tô đông đúc và chạy rất nhanh. Chúng tôi phải mất nhiều thời gian chờ đợi cho ít xe để băng qua đường đến trường hoặc đón xe buýt về nhà. Nếu không vi phạm thì chúng tôi phải theo cầu bộ hành Văn Thánh hoặc phải đi bộ vòng qua chân cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh với cự ly rất xa, mất nhiều thời gian. Do vậy, chúng tôi đánh liều băng qua đường dù biết đi như vậy là rất nguy hiểm. Nhiều sinh viên ở đây đều đi như thế, riết thành quen. Chúng tôi hay đi theo nhóm cho đỡ sợ. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xây cầu vượt bộ hành tại đây để tạo tiện lợi cho người dân và các sinh viên đi lại. Sinh viên năm hai NGUYỄN MINH HƯNG, Trường ĐH Hutech Đường sá ở Đà Nẵng thông thoáng, người dân có ý thức chấp hành luật giao thông tốt nên rất ít người đi bộ vi phạm. Theo thống kê, vài năm gần đây ở Đà Nẵng không xảy ra vụ TNGT do lỗi của người đi bộ. Chúng tôi chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người đi bộ đi đúng phần đường và tuân thủ đèn tín hiệu giao thông để tránh gặp tai nạn đáng tiếc chứ chưa xử phạt người đi bộ. Tuy nhiên, CSGT sẽ xử lý nghiêm các trường hợp ô tô, xe máy… lấn đường của người đi bộ. Trung tá PHAN VĂN THƯƠNG, |