Nghị định 28/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã kịp thời bổ sung quy định xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng như ném tiền, đốt vàng mã… gây bức xúc xã hội thời gian qua. Nghị định có hiệu lực từ ngày 5-5.
Ném tiền cầu xin: Phạt!
Cụ thể, hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (quy định hiện hành chỉ xử phạt đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định).
Năm 2017 tại Đền Hùng vẫn diễn ra tình trạng vứt tiền xuống giếng, mặc dù nhiều biển báo đề nghị du khách không làm điều này. Ảnh: PHI HÙNG
Nghị định 28/2017 vẫn giữ nguyên không sửa đổi các quy định xử phạt các hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội bị phạt sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Xử tận gốc quảng cáo “Khoan cắt bê tông”
Từ ngày 5-5, các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn gia thông; mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt khá nặng.
Quy định này đã xử “tận gốc”, đúng địa chỉ đối với vấn nạn đặt, dán vẽ gây nhức nhối khắp nơi như hiện nay, khi mà hiện ở đâu cũng thấy “khoan cắt bê tông”, “thông rút hầm cầu” gây phản cảm, nhức nhối.
Theo Nghị định 28/2017, người phát tờ rơi quảng cáo ngoài đường và cả người có sản phẩm, hàng hóa quảng cáo trên tờ rơi gây mất mỹ quan đường phố cũng sẽ đều bị xử phạt kể từ ngày 5-5.
Cụ thể, người phát tờ rơi quảng cáo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, quy định cũ chỉ quy định xử phạt chung chung đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nghị định mới, các cá nhân, đơn vị có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo trên tờ rơi đó cũng sẽ bị xử phạt và mức phạt nặng hơn rất nhiều: Từ 5 đến 10 triệu đồng.
Nghị định 28/2017 cũng quy định phạt 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông được quy định.
Thẩm quyền xử phạt các vi phạm trên thuộc về chủ tịch UBND các cấp, lực lượng công an nhân dân và thanh tra chuyên ngành văn hóa.
Vi phạm mới: Quảng cáo trên bản đồ Đặc biệt, Nghị định 28/2017 bổ sung xử phạt đến 30 triệu đồng nếu quảng cáo trên sản phẩm in là bản đồ hành chính (quy định cũ chỉ xử phạt nếu quảng cáo trên các sản phẩm là giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước). Người vi phạm còn phải khắc phục hậu quả là tự tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đã vi phạm. |