Tại Việt Nam, loại phương tiện chiếm số lượng lớn vẫn thuộc về xe máy. Nhiều bạn sinh viên vẫn thường lựa chọn sở thích đi phượt của mình cũng bằng xe máy. Tuy nhiên, nếu không nắm vững những kinh nghiệm đi đường dài, nó sẽ gây nguy hiểm, đặc biệt đối với cung đường có đèo dốc.
Vừa qua, một vụ tai nạn của một chủ phương tiện xe máy đi phượt lao đầu vào chiếc ô tô, tại địa phận của đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng qua đây chúng ta cần biết những nguyên tắc đi phượt bằng xe máy qua đường đèo như thế nào.
Khi đổ đèo nhớ quan sát kỹ tránh gặp tình huống bất ngờ. Ảnh: Internet.
Một phượt thủ có kinh nghiệm trên 10 năm chia sẻ, trước mỗi chuyến đi, cần có một sự chuẩn bị đầy đủ về mặt kinh tế cũng như kinh nghiệm, đặc biệt người điều khiển phương tiện cần tìm hiểu rõ cung đường mà mình chuẩn bị di chuyển, như thế sẽ không bị gặp tình huống bất ngờ.
Đầu tiên, bạn cần chăm sóc người bạn đồng hành của mình, đó là chiếc xe máy. Cần bảo dưỡng xe, cung cấp mới lượng dầu nhớt cho xe. Các bộ phận cần kiểm tra kỹ như: còi, đèn pha, xi nhan, gương, thay dầu máy, nước làm mát, tăng xích trùng, thay má phanh (nếu mòn). Đồng thời, kiểm tra lốp, săm thật kỹ. Nếu lốp mòn, săm bị "cắn đinh", bạn nên thay mới.
Các loại giấy tờ tùy thân nên để vào một chiếc túi nylon nhỏ và cất giữ cẩn thận. Tránh trường hợp gặp mưa trên đường di chuyển sẽ làm ướt những giấy tờ quan trọng. Nên in bản sao chứng minh thư và ghi thêm thông tin về nhóm máu, số điện thoại liên hệ người thân. Các loại giấy tờ này nên để ở túi áo ngực, nếu xảy ra tai nạn sẽ có người lục túi áo bạn để lấy thông tin cần thiết và gọi cho người thân.
Đừng quên mang chìa khóa xe dự phòng trong balo, đề phòng trường hợp bạn làm rơi chìa khóa xe ở nơi xa.
Bên cạnh đó, bạn nên tự học cách vá xe và mang một số dụng cụ tự sửa xe, cùng những tư trang cá nhân cần thiết.
Đối với cung đường đèo không giống như chúng ta di chuyển các đường nhựa bình thường, vì vậy kinh nghiệm đổ đèo là rất quan trọng, đặc biệt xe máy lại có sự khác biệt với đổ đèo bằng ô tô.
Kinh nghiệm xe máy đổ đèo khác với đi ô tô. Ảnh:Internet.
Một số lưu ý khi đổ đèo bằng xe máy, gồm: đèn cần thiết phải bật khi trời chập choạng tối, ban đêm hay khi có sương mù.
Còi phải bấm trước khi vào các cua để xe đối diện phía góc khuất của cua có thể nhận ra có người đang chạy hướng đối nghịch, vậy là an toàn cho cả hai.
Vì đổ đèo sẽ có độ nghiêng của xe, vì thế chúng ta cũng cần phải kiểm tra mực xăng còn lại trong bình, đảm bảo lúc nghiêng xe lượng xăng vừa đủ lấp đầy họng xăng. Nếu không đủ lượng xăng phù hợp có thể làm cho xe bị chết máy bất ngờ, tạo nên thế nguy hiểm khi các xe phía sau vẫn di chuyển theo đà của cung đèo.
Đồng thời, bánh xe cần đảm bảo cho độ bám. Nếu không sẽ dễ bị trơn trượt, làm cho lái xe không giữ được thăng bằng và gây ra tai nạn.
Cần chú ý các biển báo, gương cầu. Có thể đường dốc đèo vắng thật nhưng chạy với tốc độ quá cao, khi gặp sự cố bất chợt (như xe ngược chiều lấn đường, lở đất đá, nổ bánh, gặp ổ gà…) thì bạn không thể xử lý tình huống kịp thời.
Đặc biệt nên quan sát các động vật, gia súc trên đường như trâu, bò, dê, gà… của người dân nuôi thả có thể xuất hiện bất ngờ trên đèo.
Phải thật cẩn thận với các khúc cua gắt vì đó luôn là cạm bẫy. Đây là lúc cần sử dụng còi để báo hiệu với xe chạy chiều ngược lại biết rằng phía đối diện có người. Tránh việc lấn làn hay vượt xe khác tại các cua mà ta không có đủ tầm nhìn vì rất nguy hiểm.
Tránh chạy kề cận các xe tải, xe bồn, xe khách: khi họ thắng gấp hay tắt máy tuột thắng, lạc tay lái… thì tai nạn sẽ xảy ra.
Nên giữ khoảng cách nếu chạy sau các xe này, bạn chỉ vượt nó khi thấy thật an toàn: tức là thấy rõ phía trước trống đường, họ đáp ứng tốt với tiếng còi xin vượt của bạn, khoảng ngang định vượt đủ rộng và xe của bạn đủ sức mạnh để vượt.
Không đậu xe ngắm cảnh phía ngoài mép các cua gắt, khuất tầm nhìn các xe khác.
Nếu bạn muốn chụp ảnh hay ngắm cảnh, nên dựng xe cách đó vài mươi mét phía dưới rồi đi bộ lên.
Chụp hay ngắm cũng nên dè chừng để có phản xạ nhanh khi gặp tình huống nguy hiểm: tức là bạn phải biết quan sát phía sau lưng.
Lưu ý đối với xe tay ga khi xuống dốc sẽ nguy hiểm hơn vì đa phần loại xe này dùng đai truyền động, bánh xe nhỏ nên giảm độ bám an toàn. Tránh ôm cua quá sát mép ngoài, dễ bị lực ly tâm làm té ngã hay vướng do dạt ra ngoài.