“Đi với bụt mặc áo cà sa...”

Song với cách thức luôn dùng vỏ bọc dân sự của phía Trung Quốc, phía ta cần hết sức tỉnh táo để có đối sách thích hợp. Bởi lẽ ngay ba tàu hải giám Trung Quốc vừa gây hấn với PVN cũng toàn là tàu dân sự, dù tính năng của nó chẳng kém gì các tàu hải quân. Cách “lấn biển” cũng thế, họ cho các đội tàu cá 50-60 chiếc vào vùng biển Việt Nam đánh cá, bị đuổi thì chạy và khi bị bắt thì... chết máy ăn vạ.

Vì thế dù cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc có băn khoăn về sự chồng chéo chức năng với thanh tra thủy sản nhưng xét về lợi ích toàn cục cần ủng hộ đề án lập lực lượng kiểm ngư mà Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ. Bởi các tàu tuần tra, kiểm soát hiện tại đều công suất nhỏ, chỉ loanh quanh ven bờ do chỉ chịu được sóng gió cấp 4-5. Hơn thế, đội ngũ thanh tra này không được huấn luyện kỹ về chuyên môn, lại bị bó hẹp về thẩm quyền xử phạt và phạm vi hoạt động dẫn tới tình trạng “bỏ trống” nhiều mảng trong kiểm soát mặt biển.

Dự kiến sau khi thành lập, lực lượng kiểm ngư sẽ được tổ chức chặt chẽ như lực lượng kiểm lâm hiện tại. Họ không chỉ kiểm soát các hoạt động của ngư dân Việt Nam (như ngăn chặn việc dùng chất nổ, xung điện hay đánh bắt trong các khu bảo tồn biển…) mà còn phát hiện các tàu cá nước ngoài xâm phạm vào vùng biển chủ quyền Việt Nam để bắt giữ và xử phạt (hiện nay các lực lượng khác phát hiện thì chỉ xua đuổi và phóng thích). Do đặc thù trọng yếu này, lực lượng kiểm ngư cần có đội tàu mạnh và chuyên nghiệp.

Việt Nam hết sức nỗ lực tuân thủ Luật Biển quốc tế, tránh xung đột trên biển, không vi phạm vùng biển của nước khác. Song dưới vỏ bọc dân sự, phía Trung Quốc liên tục “quấy nhiễu” bằng các cách thức tinh vi. “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” - bài học của cha ông nhằm một lối ứng xử khôn ngoan áp vào chuyện này ắt chẳng sai.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm