Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hộicho rằng các tỉnh, thành không báo cáo hoặc báo cáo thiếu trung thực về tình trạng mại dâm ở địa phương.
Tỉnh nào cũng có mại dâm trá hình
Về vấn đề mại dâm, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng gần như các tỉnh, TP nào cũng có hoạt động mại dâm trá hình, bất hợp pháp. Quan trọng là có làm hay không thôi? Còn cảnh sát, dân phòng rồi chính quyền địa phương làm ngơ chứ không phải không có. “Ai bảo Quất Lâm, Đồ Sơn, Vũng Tàu, TP.HCM hay Đà Nẵng... không có mại dâm. Đều có cả nhưng hoạt động rất tinh vi, trá hình và chính quyền thiếu kiên quyết” - ông Lập nói. Nhưng hoạt động mại dâm trá hình rất khó quản lý và rất khó làm rõ. “Giờ thực hiện Nghị định 167 xử phạt gái mại dâm. Nhưng phạt xong phường này lại qua phường khác. Chỉ giữ được không quá 24 giờ rồi cũng phải thả ra. Có cô còn bảo, em sang phường khác em bán rồi quay lại phường này nộp phạt. Cái đó là có thật”.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại hội thảo.
Ông Lập cho rằng phòng, chống mại dâm còn nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, đặc biệt là về quan điểm. Nếu chính quyền không làm, không thực hiện thì không thể làm được. Còn quy hoạch hay không quy hoạch mại dâm thì không có gì nhạy cảm cả. “Với tư cách cá nhân, quan điểm của tôi là làm thế nào để quản lý tốt và đảm bảo lợi ích của công dân. Trong mại dâm có hiện tượng cố tình đi bán dâm như: một bộ phận nhỏ ca sĩ, người mẫu cố tình hoạt động bán dâm với giá ngàn đô. Nó là lười lao động. Còn có trường hợp bị cưỡng bức, bị bóc lột tình dục. Có nhiều trường hợp bị ép đi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, những gia đình vợ chồng không còn đủ năng lực phục vụ lẫn nhau, nhu cầu của người ly thân và những người không có vợ, có chồng... Chúng ta phải phản ánh đúng thực chất xã hội về vấn đề mại dâm để tạo dư luận cho đúng. Nếu chúng ta không tạo dư luận đúng thì cách tiếp cận của chúng ta có vấn đề. Chúng ta mắc bệnh hình thức thì không thể làm được chính sách và không tạo sự biến chuyển” - ông Lập cho biết.
Ông Lập cũng thông tin thêm hiện đang tồn tại ba luồng ý kiến về mại dâm: 33,3% cho rằng không nên có mại dâm, 33,3% lại cho rằng nên cứ để tồn tại như hiện nay và 33,3% cho rằng nên cho mại dâm hoạt động công khai nhưng phải đưa vào tập trung ở những khu vực nhất định.
Giúp đỡ người nghiện ma túy, mại dâm
Tại hội thảo, mọi người đều ghi nhận toàn bộ sự đóng góp của các đội công tác xã hội tình nguyện và đặc biệt là công việc của các tình nguyện viên âm thầm làm việc trong những năm qua vì người nghiện, ma túy, hoạt động mại dâm… Tạo tâm lý vững tin cho những “người yếu thế”, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: TT
Chia sẽ tại hội thảo, chị Dương Thị Mỹ Dung, Đội phó Đội công tác xã hội tình nguyện phường 12 (quận 4, TP.HCM), nói việc tiếp xúc với những người đã tập trung ở trại cai nghiện về hoặc là người bán dâm rất khó khăn. Bởi phần lớn họ đều e dè, trốn tránh tiếp xúc. Các thành viên trong đội công tác phải kiên trì tạo lòng tin, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ họ về y tế, việc làm hoặc vay vốn. “Tôi cho rằng giúp đỡ người nghiện ma túy, người bán dâm tốt hơn là trừng phạt, như thế họ sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời” - chị Dung nói.
Còn theo ông Lập, hiện đang có những mâu thuẫn về mặt pháp luật trong việc xử lý, quản lý người sau cai. “Khi người ta hoàn lương thì nên đưa về sống ở những khu vực đông dân cư để hòa nhập cộng đồng, như vậy họ mới có cơ hội làm lại cuộc đời nhưng nhiều trường hợp lại đưa vào trung tâm như vậy làm sao họ không phạm tội trở lại được. Để giúp những người nghiện ma túy, mại dâm ngoài những biện pháp hành chính thì cần phải giúp họ thay đổi, đôi khi chỉ cần một lời nói cũng thay đổi số phận của người lầm lỡ” - ông Lập nói.
Đến cuối năm 2015, có 2.900 đội tình nguyện viên hoạt động ở 39 tỉnh/TP với hơn 19.000 người. Các đội tình nguyện này thường xuyên tổ chức tư vấn kiến thức liên quan đến phòng chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm thu hút hàng triệu lượt người tham dự. Trong thời gian 2013 -2015 đã có hơn 300.000 cuộc tư vấn do đội tình nguyện viên thực hiện cho hơn 500.000 lượt người nghiện ma túy, người mại dâm, người nhiễm HIV.