Dịch cúm gia cầm lan đến 22 tỉnh

Ngày 28/2, thêm Hải Dương, Sóc Trăng, Gia Lai báo có ổ dịch mới phát sinh. Hơn 5.000 gia cầm mắc bệnh được tiêu hủy. Trong các địa phương có ổ dịch cũ thì Nam Định, Long An đã qua 21 ngày. 

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp), các ổ dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại hộ gia đình, đã được xử lý kịp thời nên chưa có hiện tượng lây lan diện rộng. Trung bình mỗi tỉnh có 3 ổ dịch, riêng Khánh Hòa, Trà Vinh và Lào Cai có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy.

[Caption]

Dịch cúm gia cầm H5N1 tiếp tục lan ra nhiều tỉnh, thành. Ảnh: Nguyên Anh. 

Chuyên gia nhận định trong thời gian tới nguy cơ dịch nhỏ lẻ ở các địa phương là rất cao. Thời tiết lạnh là môi trường thuận lợi để virus H5N1 tồn tại và lây lan. Cục Thú y đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.

Bộ Y tế cũng thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Trong đó, hoạt động giám sát người và gia cầm qua biên giới, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm các chủng virus cúm gia cầm trên người, gia cầm được tăng cường.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chủng cúm gia cầm A(H5N1) xuất hiện trên người từ năm 2003. Từ đó đến nay, dù số ca mắc và tử vong đã giảm rất nhiều nhưng Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 3 trong những nước có tỷ lệ mắc cúm gia cầm cao (sau Ai Cập, Indonesia).

"Mấy năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận 2-3 ca nhiễm cúm. Tuy nhiên chỉ trong 2 tháng đầu năm nay cả nước đã có 2 ca mắc, đều tử vong. Nguy cơ bùng phát dịch rất lớn vì cúm trên gia cầm chưa có xu hướng dừng lại", tiến sĩ Phu nhận định.

Theo ông Phu, ngoài chính quyền địa phương, cán bộ y tế, nông nghiệp thì trách nhiệm của người dân rất quan trọng. Một số người khi có gia cầm ốm chết vẫn vứt ra xung quanh, khiến dịch dễ lây lan. Đây là tập quán cần thay đổi.

Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm